Sân Mỹ Đình nhồi 5 vạn người: "Vỡ" sân sẽ thành thảm họa?
Quá tải hàng vạn người, sân vận động Mỹ Đình có thể dẫn đến thảm họa chết người nếu xảy ra sự cố trên sân.
Trong trận chung kết giải bóng đá U19 Đông Nam Á giữa Việt Nam và Nhật Bản chiều 13/9, tất cả các ghế ngồi trên khán đài và khu vực hành lang, lối đi tại SVĐ Quốc gia Mỹ Đình đều chật kín người. Rất nhiều người có vé nhưng phải đứng bên trong hành lang, không thể lên được khán đài để xem.
Bên trong sân Mỹ Đình đông nghịt người xem, không còn một chỗ trống. Các lối ra vào bị bịt kín người xem. Ảnh: Hồng Phú
Tại khán đài B của sân Mỹ Đình, anh Nguyễn Công Đạt (Hà Nội), cho hay, mặc dù có vé ở số ghế 9, hàng ghế thứ 25, khán đài B nhưng anh không thể đến được chỗ ngồi vì các lối đi đã kín mít. Hơn nữa, nhìn từ xa, hàng ghế số 25 cũng không còn một chỗ trống. Lúc này, còn 20 phút nữa trận chung kết mới diễn ra.
Còn tại cửa số 2 trong hành lang khán đài B, nhiều người không có vé vẫn lao qua cửa - nơi có đến 4 cảnh sát cơ động và nhân viên kiểm tra vé - để lên khu vực ghế ngồi. Các cảnh sát cơ động đã phải đuổi theo và yêu cầu nhiều người ra khỏi khu vực ghế ngồi.
Khi hiệp một trận chung kết kết thúc, toàn bộ khán giả trên 4 khán đài gần như không thể rời khỏi vị trí bởi không còn lối đi. Nếu có khát nước hay muốn đi vệ sinh, khán giả không còn cách nào khác là phải... nhịn.
Tại khán đài VIP, chỗ ngồi của nhiều lãnh đạo cấp cao, vẫn có hàng trăm người đứng dọc lối đi, ngồi la liệt vì không có ghế.
Được biết, SVĐ Quốc gia Mỹ Đình có sức chứa khoảng 40.000 khán giả, tuy nhiên, xác nhận với báo chí, lãnh đạo Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình cho hay, ít nhất khoảng 50.000 khán giả đã vào sân trong trận U19 Việt Nam gặp U19 Nhật Bản hôm 13/9. Như vậy, sân vận động Mỹ Đình đã quá tải khoảng 1 vạn người.
PGS.TS Trần Chủng – nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng (hiện là Trưởng ban Chất lượng - Tổng Hội Xây dựng Việt Nam) cho rằng, số lượng người trong sân Mỹ Đình vượt cho phép khoảng một vạn người như vậy là “quá tải so với tính toán thiết kế”. Đồng thời, vi phạm nghiêm trọng quy trình sử dụng công trình công cộng.
Ngay chỗ lối ra vào dành cho phóng viên báo chí, nhóm cổ động viên mua được vé nhưng không thể vào sân xem trận đấu, đã tận dụng những tấm nhựa trèo lên ngồi xem. Ảnh: Hồng Phú
Theo ông Trần Chủng, sở dĩ sân Mỹ Đình không sập khi có số lượng người vào sân vượt tải hôm 13/9 bởi khi xây dựng, người thiết kế đã tính toán đến hệ số vượt tải, an toàn.
Tuy nhiên, tỷ lệ “vượt tải dự trữ” dành cho trường các trường hợp bất khả kháng, liên quan đến bất lợi của tải trọng, động đất hoặc thảm họa...
Ông nói: “Nếu gặp các trường hợp trên, tỷ lệ dự trữ vượt tải trọng sẽ giúp giảm thiểu tối đa thiệt hại chứ không phải để thêm người vào”.
Ông Trần Chủng phân tích thêm, quá tải không chỉ ảnh hưởng chịu lực, bền vững công trình mà còn liên quan đến an toàn cộng đồng. Ví dụ như bảo đảm thoát hiểm khi xảy ra sự cố.
Cụ thể, sân Mỹ Đình sức chứa 40.000 người, khi xây dựng người ta đã tính toán các cửa thoát hiểm sao cho nếu xảy ra sự cố, 40.000 người sẽ thoát ra ngoài trong vòng 7 phút.
“Nếu trong sân có 50.000 người, đứng kín tất các lối đi, khi xảy ra sự cố có thể dẫn đến thảm họa chết người”, ông Trần Chủng cảnh báo.
Theo ông, về nguyên lý, khán đài sân vận động không được phép sử dụng vượt quá số lượng người quy định.
Bên cạnh đó, ông Trần Chủng cho rằng, đối với các công trình công cộng, 5 năm phải đánh giá lại an toàn trong vận hành khai thác sử dụng. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay có hiện tượng không coi trọng bảo trì công trình công cộng.
Do vậy, người quản lý các công trình công cộng cần bảo trì, thuê đơn vị tư vấn đủ năng lực đánh giá xem tình trạng làm việc của kết cấu có hư hỏng gì không, có an toàn như thiết kế ban đầu không... “Tất cả các quy trình bảo trì này phải được thực hiện một cách khắt khe”, ông Trần Chủng khuyến nghị.
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, khi thiết kế công trình công cộng có đông người đến như sân vận động Mỹ Đình, người ta tính toán hệ số an toàn tương đối cao. Trong đó, người thiết kế cũng đã đề phòng trường hợp quá tải.
Tuy nhiên, nếu để sân vận động vượt quá số người quy định, có thể có những bộ phận bị sụp đổ, gây mất an toàn.
“Do vậy, khi thiết kế sân vận động có sức chứa 40.000 chỗ ngồi thì không được phép đưa quá số lượng trên vào sân”, ông Liêm bày tỏ.
Trả lời báo chí ngày 14/9, Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông VFF Nguyễn Xuân Gụ cho biết: “Sau trận chung kết giải U19 ĐNA, tôi đã nhận được không biết bao nhiêu cuộc điện thoại phản ánh tình trạng khán giả không có chỗ ngồi và xảy ra hiện tượng chen lấn, xô đẩy do sân Mỹ Đình bị quá tải”. |
Clip hàng vạn người đổ về SVĐ Quốc gia Mỹ Đình xem trận chung kết giải U19 Đông Nam Á: