Săn chuột “quý tộc” ăn sâm trên đỉnh Ngọc Linh

Sự kiện: Thời sự Kon Tum

Sâm Ngọc Linh được trồng sâu trong rừng, nơi hội tụ tinh khí, dưỡng chất của trời đất nên được xem là “báu vật” của đại ngàn Tây Nguyên. Việc trồng sâm đã khó, nhưng việc bảo vệ, không cho những “kẻ trộm” xâm phạm còn khó khăn hơn gấp trăm lần.

Săn chuột “quý tộc”

Sâm Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) được trồng ở lưng chừng đỉnh núi Ngọc Linh với độ cao khoảng 2000m so với mực nước biển. Sâm Ngọc Linh là dược liệu quý hiếm, giá trị dinh dưỡng cao, giá thành vô cùng đắt đỏ. Sâm Ngọc Linh được người dân trồng trong rừng sâu, dưới những tán cây cổ thụ.

Để tiếp cận được vườn sâm là vô cùng khó khăn, không phải ai muốn cũng có thể vào. Không chỉ bởi đường đi là những dốc núi cheo leo, thẳng đứng mà hiểm nguy còn rình rập từ các loại chông và bẫy giăng mắc khắp nơi để đề phòng kẻ gian.

Đặt bẫy để bắt chuột ăn sâm

Đặt bẫy để bắt chuột ăn sâm

Hằng năm, đến mùa sâm Ngọc Linh trổ hoa, đậu quả dưới tán rừng, hấp thụ được tinh khí, dưỡng chất của đất, những chú chuột tinh khôn lại tìm cách tiếp cận vườn sâm. Để ngăn cản không cho chuột “quý tộc” trộm “quốc bảo”, người dân nơi đây bày “thiên la địa võng”.

Trong cái giá lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi may mắn được theo chân một nhóm thanh niên thôn Đăk Dơn (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) đi tuần tra, bảo vệ vườn sâm và săn những chú chuột “quý tộc”.

Với hành trang là giày, áo ấm, ít nước uống và đồ ăn cùng hàng chục chiếc bẫy chuột, chúng tôi lên đường.

Trong lúc đi, nhóm thanh niên đặt một số chiếc bẫy để chắn đường đi của lũ chuột “quý tộc”. Đi được khoảng 1 tiếng đồng hồ, mọi người trong đoàn dần thấm mệt, nhìn phía trước chỉ thấy vô số cây rừng, còn bên cạnh là vực sâu hun hút. Đi thêm một đoạn, trước mắt chúng tôi là những rào bằng lưới B40 được quây kín, những hố chông tua tủa, lối vào án ngữ 1 chốt canh được làm bằng ván có người gác. Phía trong đó là những cây sâm đang hấp thụ dưỡng khí của đất trời.

Lúc này, anh A Ngôm (trưởng thôn Đăk Dơn, xã Măng Ri) dặn mọi người đi sát vào nhau, không ai được tách riêng rồi nói: “Sâm ở đây đều được người dân đào hào, đặt bẫy, chôn chông tua tủa nên chỉ cần sảy chân thì rất dễ bị thương và có thể nguy hiểm đến tính mạng”.

Anh A Ngôm cho hay, năm 2014, hàng chục hộ dân tại thôn Đăk Dơn (xã Măng Ri) xin vào làm công nhân tại các công ty trồng sâm trên địa bàn. Những người dân hàng ngày chăm sóc, bảo vệ giống sâm. Mỗi năm, ngoài tiền lương được nhận, mỗi người dân còn được cấp 100 gốc sâm nên diện tích sâm ngày càng được nhân rộng. Nhưng sâm chỉ sống được dưới tán rừng nguyên sinh ở sâu bên trong nên người dân phải cắt cử, thay phiên nhau trông coi.

Tuy nhiên, khi cây sâm lớn, chuẩn bị cho thu hoạch thì người dân tá hỏa khi phát hiện các gốc sâm héo dần rồi chết. Đào các gốc sâm lên, người dân hoảng hốt vì những củ sâm đã bị đánh cắp. Những trái sâm cũng “không cánh mà bay”. Sau nhiều ngày theo dõi, người dân phát hiện “kẻ trộm quốc bảo” chính là những con chuột rừng và chuột chũi.

Người dân đặt những chiếc bẫy đá và bẫy kẹp bằng tre tự chế, bẫy kẹp bằng sắt, bẫy thòng lọng. Những con “chuột quý tộc” cứ thế sa bẫy, vườn sâm cũng ít bị “đánh cắp” hơn. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian, khi thấy đồng loại sập bẫy, những con chuột cũng tinh khôn né tránh. Lúc này dân phải dùng gậy đánh, bắn nỏ để hạn chế chuột phá vườn sâm.

Dứt lời, anh A Ngôm kiểm tra những chiếc bẫy đã đặt trước đó và hào hứng khi phát hiện những con chuột “quý tộc” đã bị sa vào. Mang “chiến lợi phẩm” trở về, anh A Ngôm đưa đi sơ chế để chuẩn bị “đánh chén”.

Đặc sản núi rừng

Món chuột “quý tộc” được nướng trên than đỏ, hoặc nấu canh với măng rừng muối chua

Món chuột “quý tộc” được nướng trên than đỏ, hoặc nấu canh với măng rừng muối chua

Sau một hồi đi săn, tay chân cả nhóm đã lạnh cóng, người mệt nhoài nên mọi người quây quần quanh bếp lửa sưởi ấm. Những chú chuột “quý tộc” cũng đã được sơ chế xong, xâu thành từng xâu đặt trên bếp.

Vừa hơ tay trên bếp lửa, anh A Chung, đội trưởng đội bảo vệ vườn sâm cho hay, mỗi mùa sâm thì đội bảo vệ bắt được khoảng 300-400 con chuột. Số chuột đó được mọi người chia nhau về sơ chế rồi xâu thành từng xâu, thui vàng rồi treo trên gác bếp.

“Muốn trồng sâm chỉ có thể ươm hạt, tuy nhiên cả vườn sâm chỉ có vài chục kg hạt nhưng tới mùa lũ chuột lại gặm nhấm hết. Những củ sâm với giá trị hàng chục triệu đồng cũng bị chúng “lấy trộm”. Do đó, chuột là kẻ thù lớn nhất và nguy hiểm nhất của vườn sâm. Tuy nhiên, chuột ăn sâm nên lại được xem là đặc sản của người Xê Đăng. Do đó, đến những dịp lễ, Tết hay những dịp đặc biệt, người dân lại mang ra dùng và đãi khách quý”, anh A Chung cho hay.

Sau khi luộc qua những con chuột, anh A Chung và A Nhôm chia nhau, mỗi người làm một món. Những chú chuột được nướng vàng trên bếp lửa. Số còn lại được nấu với măng rừng muối chua, ăn ấm bụng những ngày đông giá rét.

Anh A Chung còn cho hay, chuột “quý tộc” còn được chế biến thành nhiều món khác như xào cùng ruột cây chuối rừng hoặc chặt nhỏ để xào xả ớt. Mùi thơm của những món ăn hòa quyện cùng với mùi cơm nóng đang bốc khói nghi ngút, xé tan cái giá lạnh của mùa đông.

Chùm ảnh săn chuột “quý tộc” trên đỉnh Ngọc Linh:

Nhóm thanh niên trong làng mang đồ đạc, bẫy lên đường đi săn chuột “quý tộc” những ngày cuối năm.

Nhóm thanh niên trong làng mang đồ đạc, bẫy lên đường đi săn chuột “quý tộc” những ngày cuối năm.

Hàng chục chiếc bẫy sập được nhóm thanh niên vác trên vai.

Hàng chục chiếc bẫy sập được nhóm thanh niên vác trên vai.

Những chiếc bẫy được đặt trên đường đi để bắt chuột ăn sâm.

Những chiếc bẫy được đặt trên đường đi để bắt chuột ăn sâm.

Những thanh niên săn chuột “quý tộc” vừa đặt bẫy, vừa tranh thủ nhổ cỏ vườn sâm.

Những thanh niên săn chuột “quý tộc” vừa đặt bẫy, vừa tranh thủ nhổ cỏ vườn sâm.

Trong lúc đặt bẫy, đội bảo vệ vườn sâm kiểm tra những chiếc bẫy đã được đặt trước đó.

Trong lúc đặt bẫy, đội bảo vệ vườn sâm kiểm tra những chiếc bẫy đã được đặt trước đó.

Chuột “quý tộc” được bắt về làm thịt sạch sẽ rồi gác trên bếp lửa.

Chuột “quý tộc” được bắt về làm thịt sạch sẽ rồi gác trên bếp lửa.

Món chuột “quý tộc” nướng trên than đỏ, hoặc nấu canh với măng rừng muối chua là món ăn ấm áp, xé tan cái giá lạnh những ngày cuối năm.

Món chuột “quý tộc” nướng trên than đỏ, hoặc nấu canh với măng rừng muối chua là món ăn ấm áp, xé tan cái giá lạnh những ngày cuối năm.

Nguồn: [Link nguồn]

Hành trình đổi mạng lấy ”cụ” sâm Ngọc Linh hơn 100 năm tuổi

Trong những lần tìm sâm, không ít người đã phải bỏ mạng, thế nhưng cũng không phải không có người may mắn gặp “cụ”...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Nhiên ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN