Săn cá ngát ‘khủng’ trên sông Hàm Luông
Người thợ săn cá ngụp lặn tận đáy sông Hàm Luông (Bến Tre) sâu hàng chục mét và tóm gọn từng con cá ngát hung tợn, ngạnh bén ngót, to cả chục ký chỉ bằng tay không.
Có lẽ chính cái kiểu bắt cá liều mạng, không giống ai này mà phường đánh bắt cá nhiều nơi đều phải chắp tay xá khi nhắc đến dân bắt cá ngát miệt vàm Cả Bần-Tân Hương (Mỏ Cày Nam, Bến Tre).
Nghề “giỡn mặt với tử thần”
Gần 3 giờ chiều ở ấp An Hòa, xã Bình Khánh Tây, huyện Mỏ Cày Nam, gió vẫn lồng lộng thổi, dòng Hàm Luông mênh mông nổi sóng cuồn cuộn. Ở cái xóm nhỏ này, mười người đàn ông thì đã có sáu, bảy người từng theo nghiệp thợ lặn rà tìm đồ sắt phế liệu nhưng thợ lặn săn cá ngát chuyên nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay...
“Dân ở xứ này luôn có câu nói cửa miệng là “đau như bị cá ngát đâm”, lỡ sơ ý bị nó tặng cho một nhát là bỏ cơm mấy ngày, có người thịt độc bị hành cả tuần, tởn tới già. Ngoài ra, áp lực nước là kẻ thù lớn nhất. Ngư dân kể lại vụ ông Ngô Văn Đức ở huyện Ba Tri một lần lặn bị áp lực nước khiến hai chân tàn phế suốt đời. Rồi nhiều thanh niên trong xóm tập tành bắt cá ngát tay không nên bị cá đâm, nọc độc làm vọp bẻ chân tay, không kéo kịp lên bờ là toi mạng như chơi.
Chuẩn bị trước chuyến đi săn cá. Ảnh: HOÀNG NAM
Đi săn cùng “ông vua cá ngát”
Ở khu vực vàm Cái Quao, anh Nguyễn Tấn Đạt, mới 44 tuổi được mệnh danh là “Đạt cá ngát” hay “Đạt hà bá”. Nhà cửa, vợ con đều ở tận xã An Thới nhưng mê cái nghiệp sông nước nên anh Đạt qua An Hòa cất căn chòi tạm, lâu lâu ở trên bờ ngứa ngáy chân tay, nhớ sông nước là anh lại nhổ neo đi bắt cá ngát.
“Bình thường từ khoảng tháng 5 đến tháng 9 âm lịch là mùa cá ngát sinh sản mới là mùa bắt chính. Còn mùa này ít có cá lớn nhưng nếu mấy anh muốn xem thì đi theo tui” - anh Đạt giải thích.
Chúng tôi cùng “Đạt hà bá” ra sông Hàm Luông trên một chiếc ghe cà tàng gần bằng phân nửa tuổi của khổ chủ với đồ nghề là một cái máy dầu ve chai mà anh lặn dưới đáy sông nhặt được mấy năm trước, một cái bình khí cũ mèm kèm theo cuộn ống thở, mấy cái vợt lưới có tùng dài để cá chui vào, một cái đai bằng vải bên trong bỏ mấy ký đá xanh cho nặng. Anh cũng không quên tấp vào mấy bụi dừa nước chặt lấy mấy cái đọt dừa dùng để chọc vào hang cho cá giật mình chui vào vợt.
Buổi sáng ít gió, sóng nhỏ, chiếc ghe chậm rãi dạo một vòng mấy cây số trên sông Hàm Luông. khi đến một địa điểm mà Đạt nghi là có hang ở gần bờ sông, anh đồng nghiệp trên ghe hiểu ý quăng neo cho ghe đổ lại. Sau khi quấn dây đai và đọt dừa đập dập quanh bụng, giắt theo mấy cái vợt lưới, Đạt ngậm vội ống cao su rồi nhảy ngay xuống nước. Ở trên ghe, tiếng máy nổ giòn tan, người đồng nghiệp trên ghe vừa theo dõi bạn dưới đáy sông theo các bọt khí, vừa coi chừng cái máy già cỗi vừa chạy vừa run như người ngâm nước bị nhiễm lạnh, bởi nếu máy mà tắt là người dưới kia xong đời.
Anh đồng nghiệp của Đạt kể: “Thường cá ngát trốn trong hang ở các bờ đất dẻo dưới đáy sông sâu khoảng 5-10 m, có hang to đến nỗi một người có thể chui vừa. Khi xuống tới đáy, ông Đạt sẽ dùng tay để sờ thử ngoài miệng hang. Nếu cửa hang trơn láng, nước trong hang ấm hơn bên ngoài thì chắc ăn như bắp sẽ có cá. Sau khi dùng vợt úp vào miệng hang chính, sẽ tiếp tục kiểm tra các ngách, thường một hang chính sẽ có hai, ba ngách (cách đó khoảng 1,5-3 m) nhưng có hang nhiều hơn, vì vậy phải kiểm tra kỹ rồi cũng úp vợt lưới lại. Xong xuôi, Đạt sẽ trở về hang chính rồi dùng đọt dừa chọc vào hang, con cá giật mình nên sẽ tông sầm vào một trong các vợt lưới. Do các vợt lưới được cột dây vào người của Đạt nên khi cá tung, dây sẽ giật, ổng chỉ cần nhanh tay với lấy cây vợt và túm ở phần đầu vợt rồi phăng theo dây neo trồi lên”. Khi người đồng nghiệp của “Đạt cá ngát” chưa giải thích hết cho chúng tôi thì đã thấy anh thợ săn trồi lên mặt nước, mặt bám đầy rong tươi cười mang theo chiến lợi phẩm là một con cá ngát mập ú khoảng 7-8 kg. Anh đồng nghiệp trên ghe nhanh chóng đón vợt rồi dùng kềm bẻ hai ngạnh cá ngay, bởi chỉ cần xớ rớ một chút là dính đòn đau điếng.
Chiến lợi phẩm sau chuyến đi săn cá. Ảnh: HOÀNG NAM
Người thợ săn cuối cùng ở Hàm Luông
Chúng tôi trở về sau cuộc đi săn với chiến lợi phẩm là hơn chục ký cá ngát, có thể là nhiều với khách nhưng với “Đạt cá ngát” thì nhiêu đó chỉ là đồ bỏ.
“Hồi thời tui đi theo sư phụ Ba Lặn để học nghề bắt cá ngát, có bữa hai thầy trò bắt được cá ngát lớn gần hai chục ký, hai người khiêng đuôi nó còn đụng đất. Bây giờ, con nào lớn nhất cũng chỉ tầm 9, 10 ký là cùng” - ông vua cá ngát ngồi trong căn chòi lá, vừa kể chuyện vừa dốc cạn chung rượu đế, giọng đầy tiếc nuối.
Lặn bắt cá ngát với “Đạt hà bá” là duyên nợ khó bỏ. 20 năm trước, vì hoàn cảnh anh bỏ nghề lặn cá ngát theo mấy anh em trong xóm đi lặn rà sắt phế liệu dưới đáy sông, tìm thi thể người chết trong những vụ lở đất sập nhà, thậm chí rà tìm bom mìn lấy sắt. Có lần lặn tìm thi thể trong một vụ sập nhà do lở đất, anh em thợ lặn dù ngại nguy hiểm nhưng thấy tội chủ nhà nên cố bám dưới đáy sông suốt cả tuần để tìm thi thể, đến nỗi ai cũng bị ra máu lỗ tai. Vậy mà sau đó họ chẳng những không cảm ơn, lại còn nghi mình cố tình giấu thi thể để tháo vòng vàng của người chết” - anh Đạt kể.
Tự ái, Đạt thôi lặn vớt phế liệu, chuyển qua lặn làm cho các công trình cầu với nhiệm vụ là đổ mặt bằng đế âm. Mấy năm trước, trong lần lặn làm đế chân cầu vượt Bến Lức (Long An), anh bị đất cát lở đè mắc kẹt dưới đáy sông, phải nằm ngậm ống thở chịu trận cách mặt nước gần 20 m suốt 10 tiếng. Thoát chết hi hữu, Đạt bỏ nghề trở về quê. Phường thợ lặn chắc mẩm lần này Đạt giải nghệ hẳn nhưng họ nhầm, bởi mấy hôm sau lại thấy anh lui cui sắm sửa đồ nghề rồi dong ghe ra sông lớn lặn bắt cá ngát.
Bây giờ ở miệt Cả Bần-Tân Hương này, “Đạt hà bá” được anh em trong nghề xem như là “giáo sư cá ngát”. Hỏi chuyện cá ngát anh có thể nói cả ngày cũng không hết, từ chuyện trứng cá ngát để nguyên ăn dở như cao su, phải cà nát ra rồi pha với lòng đỏ trứng ướp gia vị đem chưng mới đúng điệu. Anh bảo cá cũng có nhiều hạng như người, như loài cá quát nhìn y chang như cá ngát nhưng là cá ngát mạo danh, kiểm tra trong miệng không có hàm răng đá to bằng hột bắp như cá ngát, ai không biết ăn cá này thịt hôi, dở ẹc.
Con cá ngát cũng được người dân địa phương gọi là cá “lì”. Lì là bởi khi ở dưới sông nó vùng vẫy, giương ngạnh đánh trả lại người thợ săn bao nhiêu thì khi bị thu phục, lúc đã nằm trên thớt, người thợ cầm dao bén chậm rãi cắt từng thớ thịt nó lại cũng lì, nằm trân mình chịu chứ không giãy giụa như các loài cá khác, đầu bếp không sành ăn mà đem cá ngát đi đập đầu cho chết là thịt cá hết ngon.
“Đạt hà bá” cũng bảo số anh phước lớn, mạng lớn chưa bị lòng sông hạ gục nên giờ đi bắt cá cũng phải…biết điều, phải “fair play” với nó. Gặp ghe nào bắt cá bằng thuốc, bằng xung điện là anh ghét cay ghét đắng, quyết tìm mọi cách đuổi đi cho bằng được. “Mấy năm gần đây cá ngát sông Hàm Luông bán rất có giá, mỗi ký lô hơn 100.000 đồng, vậy mà khi nào đi bắt gặp cá hơi nhỏ thì ổng thả hết, bảo để cho nó lớn, bắt cá xong ổng cũng dặn tránh làm hư hang để lần sau còn có mà bắt tiếp” - anh Đỗ Văn Đảm, 38 tuổi, một cộng sự của anh Đạt, nói.
Chủ tịch xã Bình Khánh Tây Nguyễn Văn Hùng nói: “Anh khỏi tìm ai nữa mất công, bây giờ ở xứ này chắc chỉ còn duy nhất anh Đạt là bắt cá ngát theo kiểu truyền thống. Nhiều người đánh bắt tận diệt quá nên chắc gì vài năm nữa còn cá ngát thì hỏi làm sao mà có thêm người theo nghề này”.