Sân bay quốc tế Long Thành: 84 nghìn tỷ, lấy đâu ra?

Đồng tình chủ trương dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành nhưng ý kiến Ủy ban Kinh tế và một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần làm rõ tính khả thi của dự án, đặc biệt ngân sách nhà nước phải bỏ ra tới 84.000 tỷ đồng.

Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng báo cáo cho biết: Dự án cảng HKQT Long Thành có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 164.589 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước bao gồm ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn vay ODA là 84.624 tỷ đồng, vốn khác là 79.965 tỷ đồng. 

Sân bay quốc tế Long Thành: 84 nghìn tỷ, lấy đâu ra? - 1

Dự án vị trí sân bay quốc tế Long Thành tại TPHCM

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cho biết: Có ý kiến nhấn mạnh đây mới chỉ là giai đoạn 1 của dự án, nếu tính cả ba giai đoạn thì tổng mức đầu tư sẽ rất lớn.

Thời gian vừa qua cho thấy, nhiều dự án giao thông phát sinh chi phí rất lớn so với tổng mức đầu tư ban đầu. Do vậy, băn khoăn về tính chính xác của số liệu dự án và lo ngại quá trình triển khai dự án sẽ còn phát sinh thêm nhiều chi phí.

“Mặt khác, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư dự án Cảng HKQT là không đơn giản. Do vậy, đề nghị làm rõ hơn trong cơ cấu nguồn vốn sử dụng nêu trên thì từng loại vốn cụ thể như thế nào, dự kiến vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, vốn ODA cần huy động mỗi năm” – ông Phúc nêu rõ. 

“Cần làm rõ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu, vốn của các nhà đầu tư huy động ra sao, tính khả thi của dự án đến đâu để trình ra Quốc hội”.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu

Việc giải phóng mặt bằng 5.000 ha trong giai đoạn 1 của dự án, chia làm 2 phân kỳ (phân kỳ 1: 2.565,4 ha trong hai năm 2014-2015, phân kỳ 2: 2.434,6 ha trong giai đoạn 2015-2020) cũng khiến nhiều ý kiến lo ngại.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, với kinh phí đền bù, hỗ trợ, tái định cư rất lớn dùng vốn ngân sách nhà nước (khoảng 20.000 tỷ đồng) lại thực hiện trong thời gian ngắn sẽ dẫn đến cân đối vốn rất khó khăn.

Tán thành chủ trương xây dựng dự án, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, phương án xây mới là hợp lý. Nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có thể mở rộng đường băng, còn hạ tầng sẽ rất khó khăn và sẽ có những bất cập.

“Tuy nhiên, tôi lo nhất là vấn đề tiền cho dự án này. Chính phủ cần giải trình thật rõ để Quốc hội yên tâm, ngoài ra việc đền bù cho dân cũng phải đầy đủ để tránh khiếu kiện” - ông Sơn phát biểu.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhất trí việc chọn vị trí Long Thành là phù hợp, đẹp.

“Nhưng câu chuyện là vốn ở đâu ra? Giai đoạn 1, chỉ tính riêng phần nhà nước bỏ ra đã là 84 nghìn tỷ đồng, vậy huy động ở đâu, khi mà đến 2015 Quốc hội khóa sổ trái phiếu rồi. Vì vậy, phải nói rõ là dự án lấy tiền ở đâu? Hay Quốc hội phải ra một Nghị quyết đặc biệt? Nếu không có đủ tiền, tôi lo dự án có thể bị chậm, bị kéo dài” - ông Phước lo ngại.

Lo gánh nặng nợ công 

Qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cho biết, một số ý kiến đề nghị làm rõ việc xây dựng Cảng HKQT Long Thành với mục đích trở thành cảng hàng không trung chuyển của khu vực và quốc tế.

Nếu chỉ đơn thuần là để giảm tải cho sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không trong tương lai thì hệ thống cảng hàng không hiện tại (7 cảng hàng không quốc tế) hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu.

Thậm chí, chỉ cần mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (với tổng diện tích là 1.500 ha hiện tại) vẫn có thể nâng công suất khai thác, vì các cảng hàng không trong khu vực với diện tích nhỏ hơn vẫn có thể phục vụ lượng khách rất lớn như: Cảng HKQT Chek Lap Kok (Hong Kong) chỉ với diện tích 1.255 ha, có công suất đạt 50 triệu khách/năm, Changi (Singapore) rộng 1.300 ha công suất đạt 42 triệu khách/năm. Báo cáo đầu tư cũng chưa đánh giá được khả năng cạnh tranh với các sân bay lớn đã hình thành từ lâu trong khu vực.

Đặc biệt, trong bối cảnh huy động vốn đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông còn khó khăn thì cần cân nhắc lựa chọn việc đầu tư Cảng HKQT Long Thành hay đầu tư phát triển hệ thống đường sắt Bắc -Nam hoặc phát triển hệ thống giao thông đường biển để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

“Việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành sử dụng một lượng lớn vốn ngân sách nhà nước, vốn vay của các tổ chức quốc tế trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và ngân sách khó khăn cần được cân nhắc kỹ lưỡng”- ông Nguyễn Văn Phúc nêu rõ.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, cần nói rõ hơn, việc chọn địa điểm Long Thành có lợi thế gì, khả năng cạnh tranh với các nước khu vực ra sao, nhất là khi ta bỏ ra nguồn vốn lớn như vậy. 

UBTVQH thống nhất về chủ trương và đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện đề án, trình ra Quốc hội xin ý kiến tại kỳ họp tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Tuấn (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN