Sân bay Long Thành: Ngành hàng không sẽ tự trả nợ

“Tổng công ty Hàng không Việt Nam hoàn toàn có khả năng trả được nợ khi thực hiện dự án sân bay Long Thành”.

Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu đã nói như vậy trong buổi đối thoại trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 17/10.

Sân bay Long Thành: Ngành hàng không sẽ tự trả nợ - 1

Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu chia sẻ về dự án sân bay Long Thành

Thưa ông, Bộ GTVT dựa trên những căn cứ nào để tự tin trình ra “siêu dự án” sân bay Long Thành mà không ngại đi vào vết xe đổ của một siêu dự án khác như đường sắt cao tốc Bắc – Nam?  

Về cơ sở pháp lý, chúng tôi căn cứ vào quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm ở phía Nam, quy hoạch phát triển giao thông tỉnh Đồng Nai, phát triển giao thông vận tải của TP HCM. Vừa qua Nghị quyết 13 của Trung ương cũng nêu, hệ thống phát triển giao thông đồng bộ tính đến năm 2020, Việt Nam về cơ bản là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Chúng tôi cũng muốn nói thêm rằng, dự án này đã được đặt ra từ năm 1980. Lúc đó, Chính phủ đã chỉ đạo phải nhanh chóng đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở, đặc biệt về hạ tầng hàng không.

Đặc biệt, sự phát triển của ngành hàng không trong thời gian qua đều tăng trưởng. Đến 2013, cảng hàng không Tân Sơn Nhất đã đạt con số 20 triệu khách. Dự báo, đến 2015-2016 sẽ đạt 25 triệu khách. Như vậy, năm 2020 chắc chắn sẽ quá tải. Đây là một áp lực rất lớn đối với sự phát triển của ngành hàng không.

Bên cạnh đó, hiện nay cảng hàng không Tân Sơn Nhất có 3 vấn đề ko giải quyết được: quy hoạch lại đường cất hạ cánh và đường lăn; tắc nghẽn trên bầu trời; không có được giao thông kết nối.

Tại sao trong lúc kinh tế khó khăn, Bộ GTVT vẫn trình một dự án, giai đoạn 1 là 7,8 USD, trong đó 50% vốn ODA trái phiếu Chính phủ, 50% vốn khác?

Trong lúc khó khăn mà tìm ra được một dự án có hiệu quả thì chúng tôi nghĩ rằng cần phải làm. Hiện tại, hạ tầng cơ sở ngành hành không bao gồm khu bay, đường băng, sân đỗ chưa có nhà đầu tư nào quan tâm đến và đầu tư. Do vậy, Chính phủ quyết định phát triển hạ tầng cơ sở hạ tầng giao thông, trong đó có ngành hàng không, nhà nước đầu tư theo hình thức BOT và PPP. Do vậy mà trong dự án có sử dụng nguồn vốn ODA. Vấn đề này đã được cam kết giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Thưa ông, nếu vay vốn ODA, thì thời gian hoàn vốn, lãi suất hằng năm như thế nào. Vay vốn ODA có tác động gì tới cán cân nợ nước ngoài hiện nay?

Chúng tôi có hai dự án nhà ga Tân Sơn Nhất và nhà ga T2 Nội Bài (Hà Nội) sắp được đi vào khai thác. Đối với ga Nội Bài được chính phủ cho vay 0,2%, cộng với phí vay lại là 0,4%. Như vậy theo tính toán chúng ta chỉ trả trong 30 năm, các chuyên gia đã có sự tính toán liên quan đến nợ công. Doanh nghiệp hàng không vay lại tự lo, tự trả.

Chính phủ đứng ra bảo lãnh, nhưng nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì dư luận e ngại Chính phủ sẽ lại oằn lưng trả nợ?

Vấn đề quản lý dự án đầu tư đang là vấn đề rất lớn, đặc biệt là chống lãng phí và thất thoát. Chúng ta có 21 cảng hàng không nhưng chỉ có 3 cảng mang lại lợi nhuận, trong đó có Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nội Bài. Trong nhiều năm qua, kể cả khó khăn như thế, các cảng hàng không vẫn nộp ngân sách nhà nước bình thường. Như vậy, không có khả năng Tổng công ty cảng không trả được nợ.

Các chuyên gia đánh giá 2 vấn đề lớn về sân bay Long Thành, đó là dự án Long Thành không đánh giá được hết tương lai, vì những lợi ích không giải thích được. Số vốn huy động cả 3 giai đoạn lên tới 18 tỷ đô. Ông giải thích thế nào?

Chúng ta phải căn cứ vào hiệu quả của ngành hàng không trong thời gian vừa qua và hiện tại để lấy cái đó đánh giá cơ sở trong tương lai. Dự án sân bay Long Thành cũng tính tất cả những điều đó… Những số liệu chuyên gia công bố cũng dựa trên cơ sở đó để đánh giá.

Cái nữa là phải xem cái gì tác động đến nó. Đó chính là vấn đề hội nhập. Chắc chắn sự hội nhập sẽ tác động đến ngành hàng không. Chúng ta đang nằm trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, tổ chức hàng không dân dụng Thái Bình Dương đánh giá trong 10 năm tới khu vực này vẫn là hoạt động hàng không dân dụng nhiều nhất. Dự báo sẽ tăng trưởng hơn so với các khu vực khác là 6%. Như vậy, khi thực hiện dự án chắn sẽ đem lại hiệu quả trong tương lai.

Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 164.589 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước bao gồm ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn vay ODA là 84.624 tỷ đồng, vốn khác là 79.965 tỷ đồng.

Theo quy hoạch được phê duyệt, giai đoạn 1 hình thành cảng hàng không quốc tế trung chuyển, công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/ năm; giai đoạn 2 nâng công suất khai thác lên 50 triệu hành khách/ năm; giai đoạn 3 nâng công suất lên 100 triệu hành khách/ năm.

Nguyễn Đức

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức (ghi) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN