Sân bay Long Thành: “Đừng sợ nợ mà không dám làm gì”

Sự kiện: Họp Quốc hội

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, đừng sợ vì nợ mà không dám làm gì. Quan trọng là khả năng trả nợ và bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Thảo luận về chủ trương đầu tư sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) chiều 14/11 tại Quốc hội, đa số đại biểu đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, đây là dự án cần thiết và cấp thiết. Sân bay Long Thành đáp ứng nhu cầu khi cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất quá tải. Trong khi đó, sân bay Biên Hòa là sân bay chiến lược quốc phòng. Hơn nữa, hệ thống kết nối hạ tầng giao thông đường bộ không bảo đảm.

Sân bay Long Thành: “Đừng sợ nợ mà không dám làm gì” - 1

Đại biểu Trương Văn Vở

Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu một số ý kiến lo ngại về tính khả thi của dự án, nguồn lực về vốn đầu tư trước áp lực nợ công, an ninh tài chính, hiệu quả đầu tư...

Ông cho rằng, lo ngại trên là đúng. Nhưng có thể “giải bài toán khó” này với điều kiện Quốc hội xem xét cho chủ trương lập dự án để kỳ họp sau cho chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, phải trên cơ sở luận chứng, lý giải cụ thể, rõ ràng hơn nữa các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Cụ thể, làm rõ tác động của dự án về khả năng cạnh tranh các sân bay khác trong khu vực; vị trí chiến lược sân bay đạt được trong tương lai...

“Đừng sợ vì nợ mà không dám làm gì cả, nhất là đầu tư phát triển trong dài hạn. Quan trọng là khả năng trả nợ, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Theo đó, xây dựng dự án đòi hỏi việc sử dụng vốn vay có hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực”, đại biểu Trương Văn Vở nêu ý kiến.

Đại biểu Lê Hữu Đức (Khánh Hòa) nhận định, sân bay Long Thành đáp ứng được tiêu chí của sân bay hiện đại. Đại biểu Quốc hội kiêm thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chia sẻ sự băn khoăn của các đại biểu Quốc hội về nguồn vốn đầu tư dự án.

Tuy nhiên, ông bày tỏ quan điểm: “Nếu vay để có sân bay quốc tế hiện đại, có phương án trả nợ theo lộ trình, bảo đảm an toàn nợ công thì vay cũng là phương án tốt và nên làm”.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho biết các nước lân cận trong khu vực đã có sân bay hiện đại, tầm cơ cách đây hàng chục năm. Hiện nay, Việt Nam mới bắt đầu bàn đầu tư xây dựng sân bay Long Thành hay không cũng là chậm.

Ông nhận định, sân bay Long Thành cần thiết cho nền kinh tế về lâu dài, không chỉ ngay trong lúc này.

Về tính thời điểm, đại biểu Thuyền cho rằng cần bắt đầu ngay. Vì theo kinh nghiệm thế giới phải mất 8-10 năm để đầu tư những dự án lớn như sân bay quốc tế Long Thành. Tromg báo cáo của Chính phủ, dự kiến đến 2025 mới đưa vào khai thác giai đoạn 1. Do vậy, triển khai từ bây giờ để đến 8 - 10 năm nữa  có sân bay.

Đề nghị Quốc hội sớm thông qua chủ trương đầu tư, từ đó giao cho Chính phủ triển khai các bước tiếp theo. Trong đó, tìm ra giải pháp để dự án được triển khai hoàn thành càng nhanh càng tốt.

“Nếu chúng ta không triển khai từ bây giờ thì không còn cơ hội và không còn khả năng cạnh tranh với các nước, dễ làm lỡ nhịp sự phát triển đất nước”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nhận định.

Đại biểu dẫn chứng, xây dựng đường dây 500 KV Bắc Nam trước đây. Khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định xây dựng, rất nhiều người đã phản đối, thậm chí phản đối một cách quyết liệt. Nhưng bây giờ không chỉ xây dựng một đường dây mà còn xây dựng 2 đường dây.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội), khẳng định chủ trương làm sân bay Long Thành vừa cần thiết vừa cấp thiết. Tuy vậy, dư luận, nhân dân, đại biểu Quốc hội vẫn còn lo lắng.

Ông cho rằng, lo lắng là hoàn toàn có căn cứ. Bởi đâu đó còn câu chuyện dùng đất trống trong sân bay Tân Sơn Nhất làm sân golf, nợ công tới ngưỡng, quản lý đầu tư công chưa hiệu quả, tham nhũng trong lĩnh vực này còn lớn, chất lượng dịch vụ ngành hàng không còn yếu.

Tuy vậy, ông vẫn khẳng định: “Không thể vì thế mà không đầu tư, vì không đầu tư thì không thể phát triển”.

Đồng thời, đề nghị Quốc hội xem xét hoặc thông qua chủ trương đầu tư chung và giao chính phủ lập dự án đầu tư, báo cáo khả thi trình lại Quốc hội xem xét quyết định ở kỳ họp tiếp theo.

 Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Hữu Đức (Khánh Hòa) - Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng lý giải việc đầu tư sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất.

Cụ thể, sân golf xây dựng năm 2004 đã được 8 bộ ngành, địa phương Chính phủ đồng ý. Sân golf chủ yếu là đất lưu không, thời điểm 2004, người dân nuôi bò, lợn, hàn xì, làm gạch... đe dọa an toàn cho sân bay.

Từ thực tế này, Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ xin được làm sân golf, như vậy vẫn đảm bảo tĩnh không, đảm bảo an toàn bay.

Nếu để nguyên hiện trạng, sân bay phải bố trí 15-20 người chuyên làm nhiệm vụ cắt cỏ, phát quang để chim trời không đến chui vào động cơ máy bay. Có sân golf đã giảm được công việc trên. Sân golf này cũng tạo công ăn việc làm cho người lao động và nguồn thu cho địa phương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Yến ([Tên nguồn])
Họp Quốc hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN