Sài Gòn thành "Đà Lạt thứ 2": Do cháy rừng Indonesia?

Những ngày qua, hiện tượng mù khô ở TP.HCM khiến nhiều người lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo lãnh đạo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, hiện tượng này có thể do ảnh hưởng từ vụ cháy rừng ở Indonesia khuếch tán qua.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong hai ngày 5 - 6.10, mù khô xuất hiện dày đặc tại nhiều khu vực ở TPHCM. Từ sáng sớm, mù khô bao phủ khiến các tòa nhà cao tầng bị che khuất. Người đi đường di chuyển khó khăn do tầm nhìn bị hạn chế, ở khoảng cách 200m đã không thể nhìn thấy.

Đến trưa 7.10, mặc dù trời đã hửng nắng nhưng nhiều khu vực vẫn còn chìm trong màn sương mờ.

Sài Gòn thành "Đà Lạt thứ 2": Do cháy rừng Indonesia? - 1

Những ngày qua, trên địa bàn TP.HCM xuất hiện hiện tượng mù khô khiến cảnh vật trở nên mờ ảo.

Anh Nguyễn Văn Phong (quận 12) lo lắng: “Mấy ngày nay, hiện tượng này làm TPHCM mờ mờ ảo ảo, trông giống như Đà Lạt vậy. Nhưng không biết có ảnh hưởng đến sức khỏe không”.

Chị Thùy (quận 2) cho biết: “Sáng nay, dậy sớm đi tập thể dục tôi thấy ngoài trời mù mịt. Cứ nghĩ sương và sau đó sẽ tan nhưng không ngờ đến trưa hiện tượng này vẫn còn”.

Sài Gòn thành "Đà Lạt thứ 2": Do cháy rừng Indonesia? - 2

Những tòa cao ốc bị che khuất.

Theo ông Đặng Văn Dũng – Phó giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ (KTTV-NB), lớp sương mù này thực chất là hiện tượng mù khô do ô nhiễm môi trường.

Ông Dũng cho biết, do lượng khí thải, khói bụi tích tụ ở tầng không khí sát mặt đất. Ngày bình thường gió sẽ đẩy lớp bụi này lên cao. Nhưng 2 ngày qua, gió tây nam hoạt động yếu nên khói bụi không khuếch tán được và gây ra hiện tượng trên. Hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở TP.HCM mà còn có ở một số tỉnh ở Nam bộ. Tình trạng này sẽ còn kéo dài trong vài ngày tới.

Cũng theo ông Dũng, nguyên nhân của hiện tượng này có thể do ô nhiễm từ vụ cháy rừng ở Indonesia khuếch tán qua.

Sài Gòn thành "Đà Lạt thứ 2": Do cháy rừng Indonesia? - 3

Bác sĩ khuyến cáo người dân khi ra đường phải mang khẩu trang hoạt tính và đeo kính bởi hiện tượng này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Theo các chuyên gia, tác động của hiện tượng mù khô là làm cản trở tầm nhìn, gây khó khăn trong vấn đề di chuyển, ách tắc và tai nạn giao thông. Đặc biệt, hiện tượng mù khô do khói bụi ô nhiễm lơ lửng ở lớp không khí gần mặt đất nên sẽ có ảnh hưởng trực tiếp theo hướng có hại đến sức khỏe người dân.

Các bác sĩ khuyến cáo hiện tượng này ảnh hưởng đến đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi, viêm phế quản… Do đó, người dân khi ra đường phải mang khẩu trang hoạt tính, đeo kính mắt để đảm bảo sức khỏe. Khi trở về nhà phải vệ sinh sạch sẽ mũi, súc miệng và vệ sinh cơ thể.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đông Thịnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN