Sà lan lại kẹt dưới cây cầu 113 tuổi ở Sài Gòn

Chỉ trong chưa đầy 1 tuần đã liên tiếp xảy ra 2 sự cố sà lan kẹt cầu sắt Bình Lợi khiến giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt qua đây bị ngưng trệ.

Trưa 3.6 chiếc sà lan mang số hiệu ST3169H chở hàng trăm tấn than bùn lưu thông trên sông Sài Gòn hướng từ Bình Thạnh về quận 12 (TPHCM).

Khi tới cầu sắt Bình Lợi (đoạn giáp ranh quận Bình Thạnh và quận Thủ Đức, TP.HCM), ống khói của sà lan vướng vào các thanh sắt dưới gầm cầu khiến chiếc sà lan bị kẹt cứng.

Sà lan lại kẹt dưới cây cầu 113 tuổi ở Sài Gòn - 1
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, đã xảy ra 2 vụ sà lan kẹt dưới cầu sắt Bình Lợi 

Nhận tin báo, lực lượng cứu hộ cứu nạn Cảnh sát PCCC TPHCM điều động phương tiện đến “giải cứu” chiếc sà lan. Tất cả các phương tiện qua đây bị ngăn lưu thông nhằm phục vụ công tác cứu hộ.

Sà lan lại kẹt dưới cây cầu 113 tuổi ở Sài Gòn - 2
Chiếc sà lan chở than bùn kẹt dưới gầm cầu Bình Lợi vào trưa nay do ống khói vướng vào các thanh sắt của cầu

Sà lan lại kẹt dưới cây cầu 113 tuổi ở Sài Gòn - 3
Sau khi bơm nước để sà lan chìm thấp xuống, lực lượng cứu hộ đã kéo được chiếc sà lan ra ngoài. 

Để đưa được phương tiện ra ngoài, cảnh sát đã cho bơm nước vào sà lan để sà lan chìm thấp xuống nước. Sau khoảng 30 phút, chiếc sà lan được kéo ra an toàn.

Trước đó, vào sáng 29.5, một chiếc sà lan nặng hàng trăm tấn cũng bị vướng vào dầm cầu sắt Bình Lợi. Phải mất nhiều giờ, chiếc sà lan mới được "giải cứu".

Sà lan lại kẹt dưới cây cầu 113 tuổi ở Sài Gòn - 4
Sà lan lại kẹt dưới cây cầu 113 tuổi ở Sài Gòn - 5
Trước đó, vào sáng 29.5, một chiếc sà lan nặng hàng trăm tấn cũng bị vướng vào dầm cầu sắt Bình Lợi 

Cầu đường sắt Bình Lợi là cầu vượt sông Sài Gòn đầu tiên được xây dựng và hoàn thành vào năm 1902.

Đến nay, sau 113 năm khai thác và sử dụng cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. Độ thông thuyền của cầu chỉ có 1,8m nên tàu, bè thường xuyên bị kẹt dưới gầm cầu.

Ngày 28.4, Bộ GTVT đã tổ chức lễ khởi công cầu đường sắt Bình Lợi mới, kết hợp cùng nạo vét tuyến đường thủy trên sông Sài Gòn với kinh phí hơn 1.300 tỉ đồng. Sau khi cầu đường sắt Bình Lợi mới hoàn thành, độ cao thông thuyền sẽ lên 7m, chấm dứt tình trạng phương tiện giao thông đường thủy mắc kẹt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Thanh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN