Rút máy thở với bệnh nhân sẽ bị xử lý ra sao?
Hiến pháp Việt Nam chỉ mới thừa nhận công dân có quyền được sống, quyền được hiến mô, hiến tạng, còn quyền được chết thì chưa có cơ sở để thừa nhận. Do đó, hành động rút ống thở để chấm dứt sự sống của một người là trái pháp luật.
Câu chuyện lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội khi thông tin một vị bác sĩ tên Khoa được cho đã rút ống thở khi mẹ mìnhmắc COVID-19 nguy kịch để cứu một sản phụ chẩn bị sinh gây xôn xao dư luận trong hai ngày qua. Chiều nay 8/8, Sở Y tế TPHCM xác nhận câu chuyện liên quan vị bác sĩ này hoàn toàn hư cấu.
"Không có vụ việc một bác sĩ đang điều trị bệnh nhân COVID -19 nặng tự ý rút ống thở cho sản phụ sắp sinh xảy ra trong bất kỳ cơ sở y tế nào trên địa bàn thành phố", bác sĩ Huỳnh Mai- Chánh Văn phòng sở này thông tin.
Sở Y tế khẳng định câu chuyện một bác sĩ đang điều trị bệnh nhân COVID -19 nặng là mẹ của mình đã tự ý rút ống thở cho sản phụ sắp sinh là hư cấu
Dù là thông tin giả, nhưng ở góc nhìn pháp luật chuyện rút ống thở với người bệnh ở nước ta được hay không?. “Đây là vấn đề không chỉ liên quan đến những quy định pháp luật mà còn liên quan đến tính nhân đạo”- bác sĩ Nguyễn Tri Thức- giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, và theo ông, bác sĩ là một nghề cao quý, công việc là chữa bệnh cứu người. Đây là một nghề được quy định rất khắt khe về quyền và nghĩa vụ với hàng loạt các quy định pháp luật, hơn nữa mỗi một sinh viên trường y trước khi tốt nghiệp còn phải tuyên thệ Lời thề Hippocrates.
Theo Luật sư Nguyễn Đức Chánh - Đoàn Luật sư TPHCM, nhiều người cho rằng hành động rút ổng thở của người sống thực vật là hành vi giết người. Mặc dù hiện nay pháp luật hình sự không định nghĩa thế nào là giết người, nhưng theo khoa học hình sự thì giết người là hành vi tước đoạt tính mạng người khác một cách trái phép. Như vậy, muốn có câu trả lời cho câu hỏi trên thì phải làm rõ hành vi rút ống thở của bác sĩ có phải là hành vi trái pháp luật không.
Theo luật sư Chánh, Hiến pháp Việt Nam chỉ mới thừa nhận công dân có quyền được sống, quyền được hiến mô, hiến tạng... còn quyền được chết thì chưa có cơ sở để thừa nhận. Do đó, cũng không có một bộ luật nào quy định về quyền được chết cả nên hành động rút ống thở để chấm dứt sự sống của một người là hành vi trái pháp luật.
Về mặt lý thuyết, sống thực vật nghĩa là tình trạng não vẫn hoạt động nhưng người bệnh sẽ không có nhận thức hoặc mất chức năng nhận thức, có nghĩa là người bệnh chỉ mất khả năng nhận thức nhưng vẫn còn sống. Sống thực vật không có nghĩa là không có khả năng phục hồi, nhiều trường hợp sau rất nhiều năm, người bệnh có tiến triển và phục hồi lại như bình thường. Không có gì là có thể nói trước về tình trạng của bệnh nhân.
Xét về ý chí, bác sĩ dù có muốn “giải thoát” cho bệnh nhân hay bị gia đình bệnh nhân yêu cầu thì hành động rút ống thở cũng là nguyên nhân dẫn đến cái chết của người bệnh trong lúc vẫn còn sống. Chính vì pháp luật không có cơ chế để thực hiện quyền an tử nên người nào thực hiện hành vi này có thể sẽ bị truy cứu tội giết người Theo Điều 123 Bộ Luật hình sự 2015.
Riêng về “cái chết nhân đạo” theo luật sư Chánh đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi và Việt Nam chưa chấp nhận điều này. Vì vậy, theo quy định pháp luật Việt Nam hiện nay thì bác sĩ không có quyền rút ống thở của bệnh nhân để thực hiện quyền được chết của họ.
Tuy nhiên ở một số quốc gia đã cho phép thực hiện cái chết nhân đạo gồm Hà Lan, vài bang của Mỹ, Bỉ, vài bang của Thụy Sĩ... Ở những nơi này, khi bệnh nhân tỉnh táo, đủ năng lực hành vi dân sự, đủ khả năng nhận thức hành vi của mình, đủ 18 tuổi thì có quyền lựa chọn cái chết nhân đạo bằng chúc thư hoặc yêu cầu bác sĩ chứng nhận. Với trường hợp sống thực vật, quyền lựa chọn thuộc về gia đình. Các quốc gia này đã ban hành về Luật về An tử. |
Sở Y tế TP.HCM cho biết, sau khi kiểm tra, Sở khẳng định thông tin lan truyền về trường hợp một bác sĩ rút ống thở của...
Nguồn: [Link nguồn]