Rút đề xuất lao động đóng bù khoản nợ BHXH để hưởng lương hưu

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội mới nhất, Chính phủ rút đề xuất lao động đóng bù khoản doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng hưu trí.

Chính phủ đề xuất được quyết định người thụ hưởng, điều kiện, mức hưởng hưu trí, tử tuất, thủ tục giải quyết cho lao động trong doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn, không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trước ngày 1/7/2024.

Giải trình đề xuất này, Chính phủ cho rằng đây là vấn đề phức tạp, cơ chế xử lý cần được đánh giá tác động cũng như rà soát, cập nhật số liệu thời gian và số tiền lao động bị chậm, trốn đóng. Quy định mới nhằm giải quyết quyền lợi cho lao động trong doanh nghiệp bị phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn tồn tích từ trước cho đến ngày dự án Luật Bảo hiểm xã hội được thông qua.

Nhằm đảm bảo tính khả thi, tránh gây tác dụng ngược tạo tiền lệ xấu cho doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH, Chính phủ đề nghị chỉ quy định nguyên tắc trong luật sửa đổi và giao Chính phủ tự quyết định. Nguồn kinh phí chi trả từ tiền lãi mà người sử dụng lao động phải nộp khi vi phạm chậm, trốn đóng.

Công nhân tập trung trước Công ty may Gia Định, TP HCM để đòi quyền lợi BHXH, tháng 4/2023. Ảnh: Thanh Tùng

Công nhân tập trung trước Công ty may Gia Định, TP HCM để đòi quyền lợi BHXH, tháng 4/2023. Ảnh: Thanh Tùng

Trước đó, Chính phủ đề xuất cơ quan Bảo hiểm xã hội tạm thời xác nhận thời gian đóng nếu lao động có yêu cầu để làm căn cứ hưởng các chế độ. Nếu sau này chủ sử dụng đóng bù thì lao động sẽ được xác nhận, cộng thời gian này vào để tính lại thời gian hưởng. Nghĩa là lao động đóng đến đâu tính đến đó, không cộng thời gian bị doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH.

Trường hợp tính cả thời gian bị chậm, trốn đóng BHXH mới đủ điều kiện hưởng hưu trí, tử tuất thì lao động có thể chọn nộp khoản bị chậm, trốn này vào Quỹ Hưu trí tử tuất để được xác nhận hưởng. Nếu sau này cơ quan Bảo hiểm xã hội thu hồi được khoản nợ thì sẽ tính lại chế độ và trả lại khoản lao động đã đóng.

Theo cơ chế này, nếu lao động chọn đóng bù để hưởng hưu trí thì phải chi ít nhất 30% tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Cụ thể, 8% tiền lương tháng đóng BHXH ban đầu nhưng doanh nghiệp không đóng; 22% tiền đóng bù (8% của lao động, 14% của doanh nghiệp) để được xác nhận thời gian đóng hưởng chế độ.

Đại biểu Quốc hội cùng chuyên gia an sinh đánh giá đề xuất đẩy hết khó khăn về phía lao động, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới lưới an sinh. Bởi yêu cầu lao động đóng bù cho khoản họ không có lỗi là rất vô lý, tính ra họ phải đóng hai lần tiền lương và chỉ được hưởng chế độ một lần. Lao động bị nợ BHXH phần lớn là công nhân thu nhập trung bình hoặc thấp, chạy ăn từng bữa thì khó có tiền đóng bù để hưởng lương hưu.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) đề nghị đánh giá hiệu quả của hoạt động thanh kiểm tra trong thực hiện chính sách của cơ quan Bảo hiểm xã hội có thực chất không hay chỉ mang tính hình thức. Bà Trân băn khoăn nếu hiệu quả, vì sao đến nay tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH không giảm mà còn tăng lên.

Khảo sát trực tuyến của VnExpress trên hơn 11.000 độc giả cho kết quả 4% đồng tình lao động đóng bù để hưởng chế độ hưu trí, tử tuất; 91% chọn trích lãi từ Quỹ Bảo hiểm xã hội và 5% chọn phương án khác.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc chậm đóng BHXH diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp. Riêng tiền nợ khó thu hồi tại doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn hơn 4.000 tỷ đồng khiến hơn 213.400 người bị "treo" quyền lợi.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 10/2023, dự kiến thông qua ngày 25/6 và có hiệu lực từ 1/7/2025.

"Khi cải cách tiền lương từ 1/7 đối với công nhân viên chức, cũng áp dụng lương hưu ở mức cao nhất có thể", theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Chiêu ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN