Rút BHXH một lần: Nên để người lao động có quyền quyết định
Một số ý kiến cho rằng nên để người lao động tự quyết định có nên rút BHXH một lần hay không, đồng thời tăng quyền lợi đối với người tham gia BHXH lâu năm.
Ngày 16-11, Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Luật BHXH sửa đổi”. Các chuyên gia luật, lãnh đạo cơ quan BHXH tại TP.HCM, một số đại diện doanh nghiệp đã có nhiều góp ý quanh các phương án rút BHXH một lần.
Nhiều người nghỉ việc chờ rút BHXH một lần
Tại hội nghị, ông Trần Ngọc Vân, Phó Chủ tịch công đoàn các khu công nghiệp Bình Dương, chia sẻ: Đối với dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này, người lao động (NLĐ) quan tâm nhất là quy định về rút BHXH một lần.
“Với hai phương án mà dự thảo đưa ra, dù chọn phương án 1 hay 2 thì khi NLĐ đã muốn rút BHXH một lần họ sẽ tìm mọi cách để rút. Nếu quy định đóng BHXH tối thiểu 20 năm để được nhận lương hưu thì NLĐ làm 19 năm rồi nghỉ việc để rút, nếu quy định 15 năm thì sẽ làm 14 năm rồi nghỉ. Từ đó tạo ra một làn sóng nghỉ việc chờ rút một lần. Xã hội bị lãng phí nguồn lao động có tay nghề và các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng không nhỏ” - ông Vân nhìn nhận.
Các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp tham gia góp ý dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Đối với dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này, người lao động (NLĐ) quan tâm nhất là quy định về rút BHXH một lần. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Cũng theo ông Vân, nên cho NLĐ tự quyết có rút một lần hay không. Bởi chỉ họ mới biết được các nhu cầu cần giải quyết của bản thân. “Thay vì cấm rút một lần, nên làm thế nào để thay đổi cách tính lương hưu giữ chân NLĐ tham gia BHXH” - ông Vân nêu.
10 tháng đầu năm 2023, số người rút BHXH một lần là 947.322 người, tăng 31,38% so với cùng kỳ năm 2022. |
Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (Khu công nghệ cao TP.HCM), cho biết hiện nay dù NLĐ khó xin việc nhưng họ sẵn sàng nộp đơn nghỉ việc một năm để rút BHXH một lần trước khi Luật BHXH có hiệu lực thi hành. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp.
“Giải pháp đưa ra là chúng ta cần động viên những người trung thành với Quỹ BHXH. Ví dụ như những người đã đóng đủ 35 năm trở lên thì phải đảm bảo họ được hưởng đủ 75% mức lương và không bị trừ tỉ lệ nếu vì sức khỏe phải về hưu sớm… Khi quyền lợi của NLĐ được đảm bảo sẽ hạn chế tình trạng rút BHXH một lần như hiện nay” - bà Yến nhấn mạnh.
Mục tiêu của BHXH là hướng tới chế độ hưu trí
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết trong các chế độ BHXH không có chế độ BHXH một lần.
Hiện Luật BHXH chỉ có năm chế độ là ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí và tử tuất. Việc giải quyết hưởng BHXH một lần lại nằm trong chế độ hưu trí, mà chế độ hưu trí là hướng tới những NLĐ khi hết tuổi lao động có lương hưu để ổn định cuộc sống khi về già.
Theo ông Nam, BHXH một lần chỉ nên được giải quyết khi NLĐ không thể có cơ hội nhận lương hưu. Cụ thể là đối tượng đi định cư ở nước ngoài, người mắc bệnh hiểm nghèo, người hết tuổi lao động mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu…
Thời gian qua, ngành BHXH đã tuyên truyền rất nhiều nhưng số người rút BHXH một lần vẫn còn cao và có chiều hướng gia tăng. Trong đó có những người rút BHXH một lần xong không có cách chi tiêu hợp lý, dẫn đến khi về già không có nguồn thu nhập nào. Điều này cho thấy việc rút BHXH một lần chủ yếu tùy vào nhận thức của người dân.
“Chính sách BHXH hiện nay chúng ta hướng tới là NLĐ khi về già, hết tuổi lao động sẽ được hưởng chế độ hưu trí. Đối với những người mất việc làm thì hiện nay không phải chỉ có BHXH một lần mà còn nhiều chính sách hướng tới hỗ trợ NLĐ, chẳng hạn như bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ học nghề mới....” - ông Nam nêu.
Một số quốc gia hạn chế giải quyết BHXH một lần Hiện một số quốc gia trên thế giới không có quy định về chính sách BHXH một lần và điều kiện hưởng cũng hạn chế. Ví dụ, Luật Hưu trí của Đức không quy định việc chi trả tiền BHXH cho toàn thời gian NLĐ đã đóng góp. Tuy nhiên, đối với người đóng BHXH hưu trí chưa đủ năm năm mà có yêu cầu thì họ sẽ nhận được BHXH hưu trí một lần và chỉ nhận phần do chính NLĐ đóng góp. Trường hợp này thường được thực hiện cho những NLĐ nước ngoài có thời gian lưu trú ngắn ở Đức. Còn đối với phần đóng của người sử dụng lao động sẽ không được hoàn trả lại phần tiền đã đóng cho NLĐ. Tại Hàn Quốc, những trường hợp được hưởng BHXH một lần bao gồm khi NLĐ từ đủ 60 tuổi nhưng chưa đủ 10 năm đóng BHXH, người bị mất quốc tịch, người ra nước ngoài định cư… Để hạn chế tình trạng NLĐ rút BHXH một lần, thời gian tới chúng ra cần học hỏi kinh nghiệp của nước Đức thông qua việc xem xét bổ sung chính sách “đánh thuế” trên khoản tiền không nhận BHXH một lần. Việc này sẽ giảm động lực rút BHXH một lần của NLĐ. Tuy nhiên, chính sách BHXH là một vấn đề lớn và nhạy cảm có tác động đến toàn bộ xã hội, vì thế cần xem xét kỹ tỉ lệ % số thuế phải nộp đối với trường hợp nhận BHXH mức hưởng cao. Bên cạnh đó, nên xem xét giảm điều kiện về tuổi hưởng hưu trí xã hội để tăng phạm vi tiếp cận của NLĐ với chính sách này… TS NGUYỄN THỊ BÍCH, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM |
Nguồn: [Link nguồn]
Theo TS. Trần Văn Khải, cần quy định lộ trình để tất cả lao động từ đủ 15 tuổi trở lên có tham gia lao động, có thu nhập tiền lương đều tham gia bảo hiểm xã hội.