Rút BHXH 1 lần không quá 50%, lao động nghỉ việc dự báo sẽ tăng
Nhiều ý kiến cho rằng nếu dự thảo Luật BHXH sửa đổi cho rút BHXH 1 lần không quá 50% sẽ có nguy cơ tạo làn sóng lao động nghỉ việc, doanh nghiệp thiếu hụt lao động.
Video: Rút BHXH 1 lần không quá 50%, lao động nghỉ việc dự báo sẽ tăng
Ngày 18-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM phối hợp với LĐLĐ TP.HCM tổ chức buổi tiếp xúc cử tri công nhân lao động và chủ doanh nghiệp nhằm lấy ý kiến, góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi.
Tại đây, nhiều cử tri đề cập đến các nội dung như rút BHXH một lần, chế độ nghỉ bệnh, nghỉ thai sản, làm sao để người lao động hưởng hưu cao…
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VÕ THƠ
Nhiều ý kiến cho rằng nếu dự thảo Luật BHXH quy định rút BHXH một lần không quá 50% sẽ tạo làn sóng lao động nghỉ việc, doanh nghiệp thiếu hụt lao động.
Bà Phạm Thị Hồng Yến, Công ty Intel Việt Nam chia sẻ trong thời điểm khó khăn để tìm kiếm việc làm như hiện nay, nhiều người lao động vẫn sẵn sàng nghỉ việc một năm để được rút BHXH một lần trước khi Luật BHXH (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực vào tháng 7-2025. Điều này khiến một số doanh nghiệp lo lắng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động.
Theo đại diện Công ty Intel Việt Nam, phương án hai của trợ cấp BHXH một lần là không khả thi. "Nếu quy định rút BHXH một lần chỉ được rút tối đa 50% thì không giải quyết được vấn đề cuộc sống của người lao động. Đặc biệt với mức lương hưu dựa trên 50% thời gian đóng BHXH vốn đã thấp, giờ lại càng thấp hơn"- Bà Hồng nói.
Vì vậy, bà Hồng cho rằng nên giữ nguyên quy định về rút BHXH một lần như hiện nay để ổn định lực lượng lao động cho doanh nghiệp.
Đại diện các doanh nghiệp đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: VÕ THƠ
Tại hội nghị, tình trạng lao động chủ động nộp đơn nghỉ việc chờ rút BHXH một lần cũng được đại diện một số công ty trên địa bàn TP.HCM đề cập.
Cụ thể, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn Nidec Việt Nam cho biết nhiều lao động nghĩ rằng nếu Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, họ có thể không được nhận trợ cấp một lần, tiền cũng bị giảm nên chủ động nghỉ việc để "hưởng chạy luật".
Một số đại diện công ty khác cho rằng nếu dự thảo Luật BHXH quy định giảm số năm đóng BHXH xuống còn 15 năm thì sẽ tạo điều kiện cho nhiều người lao động được nhận lương hưu.
Tuy nhiên, trên thực tế, do người lao động không có tích lũy tiền vì lương còn thấp, cuộc sống gặp khó khăn nên người lao động mới chấp nhận rút BHXH một lần. Việc người lao động nghỉ việc để rút bảo hiểm không chỉ ảnh hưởng nguồn nhân lực của công ty, mà chính họ cũng chịu rất nhiều rủi ro.
Công nhân phải bắt đầu hành trình mới lương khởi điểm sẽ rất thấp. Trường hợp không tìm được việc, cuộc sống càng trở nên bấp bênh hơn so với trước đó.
Tiếp thu các ý kiến, góp ý, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị LĐLĐ TP tiếp tục lấy ý kiến góp ý của công nhân lao động, doanh nghiệp cho dự thảo Luật BHXH sửa đổi để trình Quốc hội trong thời gian tới.
Theo bà Tuyết, TP.HCM với lượng lớn công nhân lao động, bên cạnh người được kí hợp đồng lao động vẫn còn nhiều người đi làm có lương nhưng không kí hợp động. Lần này Luật BHXH cũng sẽ điều chỉnh có nhiều điểm mới, rộng hơn về đối tượng chính sách.
“Các công đoàn phải là nơi bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động. Cần tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong công nhân lao động, doanh nghiệp. Giải đáp kịp thời những vướng mắc, tạo sự tin tưởng ở người lao động để có thể đạt kết quả tốt nhất về mặt lâu dài cho người lao động” – bà Tuyết nói.
Sau 7 năm thực hiện Luật BHXH 2014, tổng số lượt người hưởng BHXH một lần là khoảng 4,5 triệu lượt người, trong đó có gần 1,3 triệu lượt người sau khi nhận BHXH một lần...
Nguồn: [Link nguồn]