Rút bảo hiểm xã hội một lần: Đề xuất chỉ cho rút khoản tiền người lao động đóng
Nhiều đại biểu Quốc hội đã “hiến kế” vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đặc biệt là nội dung rút bảo hiểm xã hội một lần
Chiều 2-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đây là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm.
ĐBQH Tạ Thị Yên (bìa trái) và ĐBQH Trần Thị Nhị Hà có nhiều góp ý cho dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Phát biểu thảo luận tại tổ, nhiều ĐBQH quan tâm tới vấn đề rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần (Điều 77 dự thảo luật). ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) cho biết năm 2022, có gần 1 triệu người được giải quyết hưởng BHXH một lần, con số này tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Có thể thấy, cú sốc về kinh tế mà đại dịch COVID gây ra đã khiến rất nhiều lao động mất việc làm, nhiều lao động mất việc chưa tìm được việc làm mới và không còn sự lựa chọn nào khác mà phải dựa vào tiền đóng BHXH để sử dụng trong lúc khẩn cấp, khó khăn. Cuối năm 2022, nhiều công ty ở khu vực phía Nam buộc phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô. Theo thống kê, có hơn 600.000 công nhân bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 34.000 công nhân mất việc làm, số còn lại bị giảm giờ làm việc hoặc nghỉ chờ việc.
Nếu những người lao động bị ảnh hưởng từ làn sóng mất việc vào cuối năm 2022 không thể tìm được việc làm mới trong vòng một năm, rất có khả năng nhiều người trong số họ sẽ nghĩ đến việc rút tiền BHXH để trang trải cuộc sống. Do đó, quy định về hưởng BHXH một lần trong dự thảo này chắc chắn là nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm.
Chế độ hưu trí là trụ cột của hệ thống an sinh, việc gia tăng số người lao động rời bỏ hệ thống sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho nhà nước và xã hội trong việc chăm sóc và hỗ trợ nhóm người không có nguồn thu nhập khi về già.
"Tôi cho rằng cần phải có biện pháp để người lao động ở lại hệ thống lâu hơn và tạo điều kiện để họ có đủ điều kiện hưởng lương hưu. Tôi ủng hộ đề xuất giảm lợi ích từ việc rút BHXH một lần theo phương án 2 của điểm đ tại Điều 77. Tuy nhiên, tôi kiến nghị mức rút BHXH không phải là 50%, mà tương ứng với mức đóng bảo hiểm của người lao động, để người lao động chỉ có thể rút khoản tiền họ đóng vào quỹ, còn khoản tiền mà người sử dụng lao động đóng sẽ được giữ lại để chi trả một phần lương hưu sau này" - ĐB Trần Thị Nhị Hà góp ý.
Liên quan đến vấn đề hưởng BHXH một lần, ĐBQH Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) cho rằng đây là một nội dung luôn được thảo luận, tranh luận khá gay gắt vì xung đột lợi ích. Trong đó, người đã đóng BHXH mong muốn được rút tiền ngay khi mất việc để giải quyết những nhu cầu tài chính cấp bách của mình, còn Nhà nước thì lại muốn bảo vệ quyền lợi lâu dài cho người lao động, nhất là khi họ hết tuổi lao động, già yếu, không còn thu nhập nữa, không muốn họ trở thành gánh nặng tài chính cho bản thân gia đình họ, cho xã hội. Mong muốn của cả 2 bên đều rất chính đáng.
ĐB Tạ Thị Yên thiên về vế sau của vấn đề "bảo đảm lâu dài, bền vững an sinh xã hội cho mọi người dân". Các quy định để tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần như trong dự án luật là rất cần thiết và hợp lý, nhân văn.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ĐB Võ Mạnh Sơn (Đoàn ĐBQH Thanh Hoá), cho rằng đây là quyền lợi chính đáng của người tham gia BHXH. Các phương án mà dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang thể hiện cơ bản hướng đến việc hạn chế người lao động hưởng BHXH một lần. Mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định như tờ trình của Chính phủ đã xác định.
ĐBQH Võ Mạnh Sơn đề nghị áp dụng phương án phù hợp về rút BHXH một lần
Do đó, cần có các nhóm giải pháp đồng bộ hơn để hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt để họ bảo đảm duy trì cuộc sống, như: Tín dụng ưu đãi, việc làm, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động… Đồng thời, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giải đáp thông tin để người lao động biết, hiểu và nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí về sau.
Ngoài ra, cần nghiên cứu để có lộ trình áp dụng phù hợp để thực hiện các phương án về BHXH một lần, tránh gây "sốc" về chính sách đối với người lao động, có thể khiến người lao động ồ ạt rút BHXH một lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội.
Đề xuất chồng của người mang thai hộ được hưởng quyền lợi ĐBQH Trần Thị Nhị Hà cũng góp ý về vấn đề hưởng chế độ thai sản của chồng người lao động nữ mang thai hộ. Chính sách mang thai hộ là chính sách tốt đẹp, nhân văn của nhà nước ta. Nữ ĐBQH đề nghị bổ sung Điều 60 của dự thảo luật trường hợp chồng của người lao động nữ mang thai hộ nghỉ việc khi vợ sinh con. Hiện nay, dự thảo luật chỉ quy định trường hợp lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con. Việc bổ sung quy định nhằm làm rõ nội dung tại Điều 60, đồng thời bảo đảm trọn vẹn quyền lợi của người dân. |
Nguồn: [Link nguồn]
“Lao động được thuê làm việc bán thời gian, làm theo giờ, nhưng hưởng mức lương hằng tháng bằng một nửa lương tối thiểu vùng 1 sẽ thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội (BHXH)...