Rừng trà cổ thụ hiếm, cây to cả ôm, cao hơn 10m trên đỉnh Pu Ta Leng
Cây trà to bằng cả ôm người lớn, cao hơn chục mét mọc thành quẩn thể trên đường lên đỉnh Pu Ta Leng, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Bà con người Mông đã biết cách khai thác vườn trà đặc biệt quý hiếm này.
Rừng trà cổ thụ shan tuyết này nằm lọt thỏm giữa lưng chừng núi Pu Ta Leng cao chất ngất. Xung quanh vườn trà có vô số các loài cổ thụ phủ rêu xanh rì. Từng thân trà to bằng người ôm, cao hơn chục mét, mọc thành từng khoảnh lớn.
Rừng trà cổ thụ, thân to bằng người ôm. Có cây cao trên 10m.
Thân trà cũng mốc thếch, có tuổi thọ vài trăm năm. Anh Giàng A Bình - một người chuyên dẫn khách leo núi chia sẻ, rừng trà này các cụ trong bản Mông ở xã Tả Lèng bảo, nó có từ mấy trăm năm trước rồi. Mỗi khi đi rừng mệt, bà con chỉ cần hái nắm trà cho vào nồi nước đun sôi khoảng 15 phút. Rót ra uống là bao mệt mỏi tan biến.
Búp trà shan tuyết trên đỉnh Pu Ta Leng.
Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, quần thể trà cổ thụ này có cả vạn cây to lẫn nhỏ. Hiện giờ mới chỉ có một số người lên khai thác trà về để bán. Theo anh Bình, do cây to và cao quá, nhiều người ngại không dám trèo. Hiện anh Bình đã biết lấy búp trà shan tuyết để sao khô bán cho khách tại Thủ đô Hà Nội, giá trà lên đến vài triệu 1kg.
Rừng trà cổ thụ đang rất cần sự bảo vệ nghiêm ngặt của chính quyền địa phương.
Hiện, rừng trà cổ thụ vẫn đang đứng trước nguy cơ bị phá hoại, vì nương thảo quả của bà con người Mông nơi đây lấn đến đâu là rừng nguyên sinh bị phá hoại đến đó. Hơn bao giờ hết, rừng trà shan tuyết này đang rất cần sự bảo vệ nghiêm ngặt của chính quyền địa phương.
Nhiều cây trà cổ thụ, thân to bằng một người ôm. Chúng có tuổi đời vài trăm năm.
Gốc chè to như thùng gánh nước, thân cao 10-15m, mọc lên giữa rừng già của xã Pa Vây Sủ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu...