Rừng phòng hộ Sóc Sơn bị “băm nát”: Nghỉ hưu cũng bị xử lý
Ông Phạm Xuân Phương, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn, TP.Hà Nội khẳng định như vậy khi trao đổi với Báo Giao thông xung quanh việc thực hiện kết luận thanh tra vi phạm đất đai tại hai xã Minh Trí, Minh Phú.
Bí thư huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông
Cử tri liên tục bị ngắt lời
Ngày 19/11, các đại biểu HĐND TP Hà Nội tiếp xúc cử tri trước thềm kỳ họp thứ 7 HĐND khóa XV tại huyện Sóc Sơn. Tại đây, nhiều cử tri đã lên tiếng về vấn đề được dư luận đang rất quan tâm là vụ “xẻ thịt” đất rừng ở xã Minh Phú và Minh Trí.
Tình hình nóng đến mức, mỗi khi cử tri phát biểu, người điều hành hội nghị là ông Trương Văn Nhung, Phó chủ tịch MTTQ huyện Sóc Sơn liên tục ngắt lời. Điều đó khiến ông Nhung bị cử tri phản đối gay gắt. Càng lúc, cuộc tiếp xúc cử tri càng trở nên căng thẳng hơn.
Phát biểu đầu tiên tại cuộc họp, cử tri Trần Đức Phương (xã Minh Trí) đánh giá: “Từ thành phố, huyện đến xã quản lý đất đai rất kém. Đất đai bị lấn chiếm lung tung cả, nhưng các vụ vi phạm lại không được giải quyết kịp thời, không dứt điểm nên đến bây giờ càng nặng thêm”. Khi ông Phương phát biểu gay gắt thì bị ông Trương Văn Nhung ngắt lời và đề nghị “phát biểu tập trung và nội dung chính và không bình luận”.
Bức xúc với cách ngắt lời cử tri của ông Nhung, nhiều người đứng lên đề nghị đại biểu HĐND TP nên kiên nhẫn lắng nghe nhân dân nói lên tiếng nói của mình. “Nếu đại biểu không lắng nghe ý kiến chúng tôi thì nghe ai bây giờ?”, cử tri Nguyễn Văn Nhạc (xã Tân Hưng) nói và đề nghị thành phố, huyện rà soát cán bộ xã, nếu ai làm sai thì mạnh tay loại ra khỏi bộ máy.
Cũng là cử tri xã Minh Trí, ông Dương Văn Chuốt phản ánh tường tận 27 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn xã này và 18 trường hợp “xẻ thịt” đất rừng ở xã Minh Phú. Ông Chuốt cho rằng, những vi phạm trật tự xây dựng như vậy ngoài trách nhiệm cán bộ xã hiện nay còn liên quan cả những lãnh đạo trước đây.
Theo bà Vi Thị Bình An, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, từ năm 1998 trên địa bàn huyện Sóc Sơn có 6.630ha đất đất rừng. Đến năm 2008, TP quyết định điều chỉnh quy hoạch diện tích đất rừng Sóc Sơn xuống 4.557ha đất rừng phòng hộ - bảo vệ môi trường. Bà An cho biết, việc vi phạm đất rừng ở xã Minh Phú và Minh Trí thì ngoài công trình vi phạm đất rừng, việc các hộ tự ý mua bán, chuyển nhượng đất rừng xảy ra nhưng đã không được xử lý tức thời. Hơn nữa việc giao mượn đất lâm nghiệp được chính quyền thực hiện từ đầu thập kỷ 90, hồ sơ quản lý không được lưu trữ từ xã đến huyện. Những vấn đề đó gây khó khăn rất nhiều cho lãnh đạo huyện trong thời gian qua.
Tiếp tục vận động tự tháo dỡ công trình vi phạm
Trao đổi với Báo Giao thông sau cuộc tiếp xúc, ông Phạm Xuân Phương, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn cho biết, liên quan đến việc rừng phòng hộ bị băm nát tại hai xã Minh Phú và Minh Trí, huyện đang rốt ráo thực hiện chỉ đạo của thành phố. Riêng đối với 18 công trình vi phạm trong diện cưỡng chế tại Minh Phú, huyện đang vận động các hộ tự giác tháo dỡ. “Khi có lệnh cưỡng chế, đã có 3 hộ tự tháo dỡ.
Tuy nhiên, sau đó một số hộ đã có đơn gửi các cơ quan chức năng cho rằng, đang thanh tra mà huyện lại cưỡng chế, vì thế huyện phải chờ ý kiến chính thức từ UBND TP chỉ đạo dỡ hay không dỡ. Còn theo quan điểm của lãnh đạo huyện thì cần phải dỡ. Việc họ gửi đơn là quyền của họ, kế hoạch của huyện lập ra thì cứ tiến hành bình thường”, ông Phương cho biết.
Đối với 27 công trình vi phạm tại xã Minh Trí, ông Phương thông tin, trong số này có 22 công trình nằm trong đất rừng. “Tuy nhiên, trong 22 công trình thì chủ yếu nằm trong đất khai hoang của thôn Minh Tân, đất đó có được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có 400m2 được xây dựng nhà ở và 200m2 được trồng cây ăn quả. Theo đó, muốn xử lý được các công trình này thì cần phải có sự phân định rất rõ ràng về mặt pháp lý. Hiện, huyện Sóc Sơn đang làm việc với đoàn thanh tra để tiến hành xử lý đối các công trình này”, ông Phương nói.
Trước câu hỏi lãnh đạo huyện có gặp sức ép gì không, khi các hộ trong diện cưỡng chế hầu như là những người có vai vế, địa vị xã hội, ông Phương cho hay: “Khi huyện vào cuộc thì cũng không nhận được điện thoại gây áp lực, can thiệp gì cả. Vì thực tế, nhiều người cũng biết phải, trái. Mà điều quan trọng khi cưỡng chế thì hồ sơ pháp lý phải đầy đủ, phải chứng minh được rằng khu vực họ đang làm là vi phạm, nếu không chúng tôi sẽ bị kiện ngược lại”.
Ông Phương cũng khẳng định quan điểm là phải xử lý nghiêm các cán bộ dính sai phạm chứ không nương tay với trường hợp nào: “Nhưng phải chờ kết luận chính thức của đoàn thanh tra. Chắc chắn rằng khi có kết luận đầy đủ của thanh tra thì huyện sẽ tiến hành xử lý, kể cả những trường hợp đã nghỉ hưu”.
Liên quan đến công trình nhà của ca sỹ Mỹ Linh và Việt Phủ Thành Chương, ông Phạm Xuân Phương, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn cho biết, khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc năm 2006 thì các công trình đó đã được xây dựng và hoàn thiện. Khi hoàn thiện rồi thì thẩm quyền xử lý lại không phải nằm ở cấp huyện. “Trong sổ hiện nay, nhà ca sỹ Mỹ Linh được cho xây dựng 400m2 làm nhà và 200m2 trồng cây ăn quả, còn lại 11.600m2 vẫn là đất rừng. Nhưng hiện nay đã xây dựng hơn 500m2. Nhưng nhà này thuộc diện không phải xin phép xây dựng, vì kết cấu khung thép làm vách thuộc diện nhà tạm chứ không phải nhà kiên cố. Còn đối với Việt Phủ Thành Chương thì huyện Sóc Sơn vẫn đang chờ kết luận của thanh tra để có hướng xử lý theo quy định”, ông Phương nói. Tại phiên họp giao ban công tác UBND TP diễn ra sáng 30/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu đối với 27 công trình vi phạm mới ở rừng đặc dụng, Sở NN&PTNT và huyện phải tổ chức cưỡng chế vi phạm. Với các công trình vi phạm trước đó, cần thực hiện đúng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. “Sau khi Thanh tra TP thực hiện xong thanh tra toàn diện sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm và xử lý nghiêm, bất kể là ai”, ông Chung chỉ đạo. Trước đó, ngày 22/10, Thanh tra TP Hà Nội đã chính thức công bố quyết định thanh tra toàn diện quá trình sử dụng đất rừng trên địa bàn hai xã Minh Phú và Minh Trí trong giai đoạn từ năm 2008-2018 và thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ năm 2006. |
Ban quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội vừa có báo cáo danh sách 18 công trình xây dựng trái phép trên đất rừng...