Run sợ sống chung với "tử thần"
Bom mìn sót lại sau chiến tranh có mặt khắp nơi, đa số trong trạng thái sẵn sàng phát nổ. Hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn trong rà phá, xử lý.
Trong khi tỉnh Phú Yên có hơn 200.000 ha đất bị ô nhiễm bom mìn nặng thì tỉnh Quảng Ngãi còn nhiều hơn, với 230.000 ha. Hiện 100% số xã, phường của tỉnh Quảng Ngãi bị ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh.
Hơn 170 năm nữa mới dọn hết
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi cho biết đến nay, toàn tỉnh đã tiến hành rà phá trên diện tích 1.900 ha, thu gom hơn 1.540 quả bom mìn, vật liệu nổ các loại. Trong năm 2012, các đơn vị sẽ tiếp tục triển khai rà phá bom mìn, vật liệu nổ khoảng 4.150 ha. Tuy nhiên, diện tích rà phá bom mìn vẫn còn quá nhỏ so với diện tích bị ô nhiễm.
Theo thiếu tá Dương Thế Dũng, Giám đốc Công ty 319-5 (đơn vị được giao rà phá bom mìn còn sót lại ở tỉnh Quảng Ngãi), công tác rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh ở tỉnh này hiện đang gặp nhiều khó khăn, như: khu vực bị ô nhiễm bom mìn phần lớn có địa hình, thủy văn phức tạp; bom mìn nằm ở các độ sâu khác nhau với nhiều dị vật nhiễm từ, gỉ sắt… Trong khi đó, hoạt động rà phá bom mìn chủ yếu sử dụng thiết bị cá nhân nên hiệu suất chưa cao.
Một quả đạn cối được phát hiện ven đường ở xã Hòa Thành - TP Cà Mau
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị, đến nay, tỉnh đã có trên 2.600 người chết và hơn 4.350 người bị thương do tai nạn bom mìn. Hiện tỉnh mới làm sạch được 12.000 ha đất, vẫn còn trên 380.000 ha bị ô nhiễm bom mìn, trong đó nặng nhất là huyện Đakrông với trên 109.000 ha, kế đến là huyện Hướng Hóa với 84.700 ha… Bom mìn hiện hữu ngay trên mặt đất, nằm ở hàng rào nhà dân...
Trung tá Lê Mạnh Hùng, Trưởng Ban Công binh Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị, cho biết nếu tiến độ dọn dẹp bom mìn tiến triển như hiện nay thì phải mất… hơn 170 năm nữa, tỉnh này mới cơ bản sạch bom mìn, tiêu tốn kinh phí trên 3.800 tỉ đồng.
Có rất nhiều ở các khu dân cư
Mới đây, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bạc Liêu đã vô hiệu hóa 137 quả pháo 105 ly được phát hiện dưới nền nhà một người dân ở ngay trung tâm thị trấn Giá Rai, huyện Giá Rai. Theo chủ nhà, ông Phan Văn Phụng, vào ngày 29/11, nhóm thợ xây đào hố đóng cừ thấy nhiều đầu đạn pháo nhưng nhầm tưởng là ống nước nên vẫn đào xới. Nhóm thợ chỉ ngưng tay khi lửa tóe ra từ những trái pháo sau những nhát cuốc cực mạnh.
Tiến hành rà soát, lực lượng công binh phát hiện bên dưới có hàng trăm quả pháo được chèn chặt với bê tông. Một sĩ quan công binh nhận định số vũ khí này sót lại sau chiến tranh vì trước đây, khu vực ông Phụng xây nhà từng là trận địa pháo. Số pháo này có khả năng phát nổ nếu gặp ma sát mạnh. Rất may là nhóm thợ xây đã dừng tay đúng lúc, nếu không thì hậu quả khó lường.
Trước đó, khoảng tháng 3/2012, trong lúc cưa một ống nhôm mua từ một bà bán ve chai, những người làm công cho cơ sở phế liệu của ông Hà Sinh ở xã Phong Thạnh A, huyện Giá Rai phát hoảng, bỏ chạy khi thấy bên trong chứa đến 64 quả bom bi. Ban Công binh Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bạc Liêu xác định đó là những quả bom do quân đội Mỹ sản xuất, không có chốt an toàn nên rất dễ phát nổ. Số bom này sau đó được đưa đến khu tập trung bom mìn ven biển Bạc Liêu để kích nổ phá hủy.
An Giang cũng là một trong những địa phương có lượng bom mìn còn sót lại sau chiến tranh khá lớn, tập trung nhiều nhất ở các huyện biên giới như Tịnh Biên, Tri Tôn và thị xã Tân Châu. Trong đợt rà phá quy mô lớn gần đây nhất, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cùng các địa phương đã tìm thấy và xử lý an toàn trên 4 tấn bom mìn các loại.
Riêng tại huyện Tri Tôn, lực lượng chức năng đã phát hiện một quả bom napalm nặng trên 315 kg trong một khu dân cư, một quả khác nặng 225 kg thuộc khu vực Đá Đen. Trước đó, cuối tháng 8/2011, sau khi tát cạn nước mưa gây ngập trong khuôn viên Nhà Văn hóa huyện Tri Tôn, các cán bộ của cơ quan này tá hỏa khi phát hiện phía dưới có căn hầm nhỏ chứa đến 89 đầu đạn pháo loại 105 ly. Ngay lập tức, cả khu vực này được phong tỏa để chờ lực lượng chuyên môn đến xử lý.
Chậm xử lý |