Rủ nhau đi học đua ngựa giữa Sài thành
Cảm giác tuyệt vời khi được ngất ngưởng trên lưng chú ngựa theo những bước chạy khiến không ít người say mê theo đuổi.
Thú chơi chỉ dành cho quý tử
Đến Saigon Pony Club, nơi duy nhất tại TPHCM dạy đua ngựa cho lứa tuổi thiếu nhi, phóng viên không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy các em nhỏ mới 7 - 8 tuổi, đứng còn chưa cao bằng mình ngựa đã có thể nắm chặt dây cương và điều khiển con vật to lớn theo ý mình.
Tiếp xúc với Lee, một học viên nhí người Hàn Quốc, em cho biết, em đã học đua ngựa tại Saigon Pony Club được 3 tháng. Lee vừa kết thúc giờ học, em dắt ngựa về chuồng và không giấu được vẻ hào hứng: “Cứ mỗi hai ngày trong tuần em được cha hoặc mẹ chở tới đây để học đua ngựa. Lúc đầu em sợ muốn khóc, cảm giác rất mệt, nhưng bây giờ thì thích lắm”.
CLB dạy đua ngựa này do huấn luyện viên Amaury Le Blan (quốc tịch Pháp) cùng vợ là người Việt mua lại và điều hành cho đến ngày hôm nay. Amaury Le Blan kể rằng: “Saigon Pony Club được thành lập cách đây hơn 10 năm. Một người Pháp đã xây dựng khu này vì cô con gái nhỏ của ông có một niềm say mê cuồng nhiệt với những chú ngựa. Sau đó, bạn bè của cô con gái ghé thăm và tham gia vào câu lạc bộ đua ngựa ngày càng đông, và Saigon Pony Club được hình thành từ đó”.
Đua ngựa rèn luyện tính dũng cảm và kiên trì
CLB có hơn 130 học viên, đa phần là lứa tuổi thiếu nhi và thanh thiếu niên. Anh Bùi Nam Khánh - Nhân viên tại Saigon Pony Club - cho biết: “Ở đây, hơn 90% học viên là các em người nước ngoài. Có rất ít người Việt Nam theo học bộ môn này. CLB mở cửa suốt tuần nhưng ngày thường chỉ có các em người nước ngoài học, đến thứ Bảy, Chủ nhật mới có một vài em người Việt tham gia”.
Theo anh Khánh, lý do môn đua ngựa ít thu hút các học viên người Việt là vì giá của một giờ học rất cao. Khoảng 450.000 đồng/45 phút đối với học viên nhỏ tuổi và 500.000 đồng/60 phút đối với học viên lứa tuổi thanh thiếu niên, người lớn. Đây là một mức giá không hề mềm so với một hoạt động thuần túy vui chơi, giải trí như môn đua ngựa tại Việt Nam.
Theo Amaury Le Blan, ngựa anh nuôi chủ yếu là giống ngựa Việt Nam, nhập về từ Long An, Củ Chi; muốn sở hữu được một chú ngựa tầm trung cũng phải mất từ 10 đến vài chục triệu đồng.
Thú chơi cần sự kiên nhẫn
Anh Hwan Ryu, người Hàn Quốc, cha của cậu bé Lee tự hào kể về con mình: “Lúc mới sang Việt Nam, Lee rất nhút nhát do khoảng cách về ngôn ngữ, giao tiếp lẫn khí hậu. Nhưng từ khi chúng tôi cho Lee tiếp xúc với những chú ngựa, Lee trở nên vui vẻ và mạnh dạn tiếp xúc với người lạ hơn. Lee còn quen được một số bạn bè Việt Nam và mời các bạn ấy về nhà chơi nữa. Chúng tôi hy vọng Lee thật sự có niềm đam mê với môn thể thao đua ngựa, để dũng cảm hơn và trở thành một người đàn ông mạnh mẽ sau này”.
Để có thể thuần thục những kỹ thuật cơ bản học viên phải luyện tập 2 buổi/tuần trong thời gian ít nhất là 6 tháng. Các em sẽ được lần lượt thực hành cho đến khi nhuần nhuyễn các bài tập ban đầu như: Điều khiển ngựa đi nước kiệu, đi vòng quanh sân, xếp thành hàng. Theo một số học viên nhí ở đây thì khi đã thuần thục rồi, cái cảm giác được ngất ngưởng trên lưng chú ngựa ngoan ngoãn khiến các em thích mê và quyết theo đến cùng. Như lời cô bé Poppy, mới tròn 6 tuổi cười toe toét: “Con sẽ theo đến cùng, con đã điều khiển được ngựa phi nước đại, và trong chương trình Pony Games sắp tới con rất muốn giành được chiến thắng”.
Sau khi đã thuần thục những kỹ thuật cơ bản, các kỵ mã nhí nếu muốn sẽ được thử sức với những bài học khó hơn. Nữ huấn luyện viên Abigail Teeven, quốc tịch Anh, người đã gắn bó với công việc dạy đua ngựa hơn 20 năm cho biết: “Phải mất từ 1 - 3 năm học viên mới có thể thực hiện được các cú nhảy vượt chướng ngại vật và các kỹ thuật khó hơn. Điều này không phải bất kì ai cũng làm được, vì nó mạo hiểm và đòi hỏi người luyện tạp phải có sự đam mê thực thụ”.
Có mặt tại Saigon Pony Club chúng tôi không khỏi thót tim khi thấy các học viên thực hiện những cú nhảy vượt chướng ngại vật cao tầm 1m, và cũng thầm thán phục sự gan dạ của các em nhỏ khi điều khiển ngựa phi nước đại với tốc độ chóng mặt. Tất nhiên, các em được đảm bảo an toàn nhờ các thiết bị bảo hộ và sự hỗ trợ của huấn luyện viên.
Nữ huấn luyện viên Abigail Teeven chia sẻ: “Quả thật, đây là bộ môn chỉ dành cho những trẻ em dũng cảm và kiên trì. Ngoài ra, bộ môn này sẽ giúp trẻ em gia tăng thêm tình yêu đối với động vật, rèn luyện thể lực, tập cho các em đối mặt và vượt qua những khó khăn, để tự tin và dũng cảm hơn trong cuộc sống”.
Cần thể lực và lòng dũng cảm Giáo trình một khóa học đua ngựa không hề đơn giản và nhẹ nhàng. Các học viên nhí được vừa được thực hành trên lưng ngựa vừa được các huấn luyện viên hướng dẫn về cách chăm sóc, ve vuốt chú ngựa để chúng không thình lình giở chứng với người cưỡi. Để ngồi vững trên lưng ngựa cũng không phải là điều dễ dàng, vì nếu sơ suất sẽ dễ dẫn đến những tai nạn không đáng có. Điều này đòi hỏi các kỵ mã nhí phải thực sự dũng cảm và đủ thể lực để theo đuổi môn học. |