Rơi từ cửa sổ chung cư: Trẻ chết oan
“Mẹ đi chợ 15 phút về với con liền mà… Mẹ hỏi con có đi với mẹ không, con bảo ở nhà xem tivi...”. Lời kêu khóc thảm thiết chứa đựng nỗi dằn vặt của người mẹ.
Cách đây 2 ngày, người dân khu tập thể số 135 đường Ngô Gia Tự (phường 2, quận 10 – TPHCM) náo loạn trước cái chết thương tâm của bé H. Được biết, trong lúc mẹ đi chợ, bé H ở nhà một mình, ra khu vực lan can chơi nhưng không may bị trượt chân ngã nhào xuống đất và tử vong ngay tại chỗ.
Hiện trường vụ tai nạn thương tâm ngày 12/12/2012 tại TPHCM (Ảnh: NLĐ)
Trường hợp cháu H tử vong do ngã từ tầng cao xuống không phải hiếm. Đây chỉ là một trong hàng loạt vụ tai nạn xảy ra từ cửa sổ hoặc ban công khu chung cư.
Những vụ tai nạn thương tâm do trẻ ngã từ ban công, cửa sổ khu chung cư đều rơi vào trẻ ở độ tuổi từ 4-7. Theo các chuyên gia tâm lý, trong độ tuổi này trẻ rất hiếu động, thích khám phá. Vì thế, cha mẹ chỉ cần sơ xảy một chút là đã mất con vĩnh viễn.
Chung cư 11 tầng No21, thuộc Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, nơi một cháu bé bị rơi từ tầng 9 tử nạn vào thời điểm này năm ngoái.
Quan sát ở những khu chung cư, nơi xảy ra các vụ tai nạn, khoảng cách từ nền nhà đến chân cửa sổ chỉ cao khoảng 1m. Trong khi đó, nếu một đứa trẻ khoảng 5-7 tuổi, chỉ cần với tay, đu người lên là người đã trườn ra ngoài. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi về mức độ “ngôi nhà an toàn” trong thiết kế, xây dựng hay ý thức chăm sóc, bảo vệ con cái của cha mẹ còn lơ đãng?
Th.s Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Trung tâm Can thiệp sớm, trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương nhìn nhận, trẻ bị ngã từ ban công, cửa sổ xuống đất hầu hết do trẻ thiếu kỹ năng sống. “Nguyên nhân chính của những vụ tai nạn thương tâm là do trẻ chưa được giáo dục về kỹ năng sống”. Bà Thanh nói.
Lý giải điều này, bà Thanh cho rằng, hầu hết cha mẹ chỉ nuôi dưỡng con cái theo kiểu ăn no, mặc ấm mà quên đi dạy dỗ, tương tác. Hơn nữa, cha mẹ không bao giờ đề cập những rủi ro trẻ có thể gặp phải nếu con thích “khám phá”, leo trèo. Qua khảo sát, bà Thanh nhận thấy nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra là do sự bao quát của cha mẹ đối với hoạt động của con cái còn hạn chế. Hoặc các bà mẹ dù quan tâm nhưng vẫn tỏ ra băn khoăn, e ngại. Nhiều bậc phụ huynh còn nghĩ dạy trẻ biết kỹ năng sống ở độ tuổi từ 4-7 sẽ làm các em mất đi nét hồn nhiên.
Theo Th.S Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Trung tâm Can thiệp sớm, trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, mguyên nhân chính của những vụ tai nạn thương tâm là do trẻ chưa được giáo dục về kỹ năng sống.
Dạy kỹ năng sống cho trẻ, càng sớm càng tốt Th.s Nguyễn Thị Thanh khẳng định, giáo dục kỹ năng sống rất tốt cho trẻ. Tuy nhiên, hiện nhà trường mới quan tâm đến việc giáo dục tri thức trong các môn học, còn giáo dục cách sống thì chưa quan tâm đúng mức. Hiện nay, trẻ chỉ được học kỹ năng sống bằng phương pháp tích hợp và lồng ghép trong giờ ăn, giờ ngủ chứ chưa có môn học cụ thể. Vậy có nên chăng đưa việc học kỹ năng sống như những môn học khác. |
Những trường hợp rơi từ cửa sổ, ban công chung cư là do trẻ không nhận thấy mức độ nguy hiểm đang rình rập. Hơn nữa, nhiều trẻ còn thụ động, không biết ứng xử trước tình huống sẽ xảy ra. Vì vậy, việc dạy cho trẻ biết sống và sống tốt không bao giờ là quá sớm thậm chí còn cứu được mạng sống cho trẻ.
“Gia đình thường là nơi an toàn nhất của trẻ, và bố mẹ chính là những người bảo vệ tốt nhất của con. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những tai nạn thương tâm này, nguyên nhân chủ yếu là do cuộc sống quá bận rộn khiến những ông bố bà mẹ không dành đủ thời gian cho con mình. Và, sự vội vã đó đã phải trả một cái giá quá đắt”.
TS.BS. Lã Ngọc Dương, Trung tâm Nghiên cứu chấn thương Trường Đại học Y tế Công cộng cũng cho rằng, hàng ngày có rất nhiều mối nguy hiểm đe dọa tính mạng của trẻ như: nước sôi, điện giật, ngã, chết đuối…
Trong số này ngã chỉ là nguyên nhân tử vong đứng thứ 3 trong những tai nạn thương tích thường xảy ra với trẻ nhưng lại là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị tàn tật vĩnh viễn, đặc biệt là chấn thương sọ não và cột sống. Tuy nhiên, cha mẹ hoàn toàn có thể tránh được những rủi ro này nếu quan tâm đến con hơn.
Tháp B Hà Thành Plaza (Hà Nội) nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm của cháu bé 5 tuổi vào 4 tháng trước (Ảnh: VNN)
TS. Dương cũng lưu ý, trong nhà có rất nhiều nguy cơ mất an toàn đối với trẻ. Chẳng hạn một phích nước, một ổ cắm điện… nếu người lớn sơ xảy không để mắt, đều có thể gây ra những tai nạn đáng tiếc. Do đó, để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em, các bậc làm cha mẹ phải sắp xếp ngôi nhà của mình thành “ngôi nhà an toàn”. Xung quanh khu nhà ở phải có hàng rào chắc chắn, cửa sổ phải có chấn song, các thanh dọc chắc chắn đảm bảo trẻ không chui qua được. Ngoài ra, cầu thang phải có lan can, tay vịn chắc chắn, sử dụng kính lắp an toàn. Công trình cao tầng hoặc nơi có mật độ người qua lại lớn nên sử dụng kính chịu lực hoặc kính hai lớp đề phòng trẻ thò tay qua.
Tai nạn thương tích ở trẻ đang ở mức báo động nên Bộ Y tế đã đưa vấn đề này thành Chương trình quốc gia về công tác phòng chống tai nạn thương tích. Do đó các Bộ, ngành liên quan đều phải nghiên cứu sao cho mức độ giảm thiểu tai nạn thương tích cho trẻ là thấp nhất.
Hoàn toàn có thể ngừa ngã cho trẻ Ngã từ nhà cao tầng hoàn toàn có thể ngăn được nếu người lớn cẩn thận hơn trong việc thiết kế công trình và nuôi dạy con cái. - Thiết kế cửa sổ đảm bảo sao cho cửa sổ không thể mở rộng hơn 10 cm - Gắn chắc các khung cửa sổ. - Để xa đồ đạc cạnh cửa sổ, ban công nơi trẻ có thể trèo hoặc đứng lên. - Các lan can (thanh chắn) ban công phải đủ các tiêu chuẩn an toàn như: Cao ít nhất 1,3m, không có các khe hở nào rộng hơn 10 cm-12,5 cm. - Ban công phải đảm bảo không có chỗ tựa chân để trẻ trèo, không cho trẻ sử dụng ban công làm chỗ chơi đùa. - Khi đến thăm nhà khác cha mẹ nên đề phòng cửa sổ, ban công nguy hiểm và giám sát con chặt chẽ. TS.BS. Lã Ngọc Dương, Trung tâm Nghiên cứu chấn thương Trường Đại học Y tế Công cộng |