Rộ mánh lừa đảo tặng vé máy bay
Các chiêu trò lừa đảo tuy không mới nhưng vẫn có nạn nhân sập bẫy. Sở dĩ những kẻ lừa đảo vẫn có đất sống vì đánh vào tâm lý muốn mua rẻ của hành khách.
Một số hãng hàng không trong nước và quốc tế vừa đồng loạt khuyến cáo khách hàng cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo vé máy bay trên mạng xã hội. Cụ thể là "cơ hội" nhận 2 vé máy bay giá rẻ miễn phí từ AirAsia, Jetstar, Vietnam Airlines nếu click vào các thông tin hướng dẫn, trả lời một số câu hỏi có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.
"Tặng vé nhân dịp sinh nhật hãng"
Ngày 7-6, Vietnam Airlines (VNA) đã chính thức phát đi thông tin khuyến cáo khách hàng cảnh giác trước hành vi giả mạo chương trình tặng vé máy bay miễn phí.
Theo VNA, thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện đường link dẫn đến một trang web giả mạo tặng vé của nhiều hãng hàng không trên thế giới, trong đó có VNA. Được hứa hẹn trúng vé thưởng, người dùng truy cập vào trang web và trả lời một số câu hỏi. Nạn nhân có thể bị lấy cắp thông tin cá nhân cũng như bị kẻ xấu lợi dụng thông tin của mình để tiếp tục lừa người dùng khác trên mạng xã hội.
Hình ảnh minh họa cho chương trình tặng vé máy bay được các đối tượng đưa lên Facebook. (Ảnh do Vietnam Airlines cung cấp)
Để bảo đảm quyền lợi, giúp khách hàng tránh được những rủi ro bởi những hành vi lừa đảo ngày càng tinh vi, VNA khuyến nghị khách hàng tuyệt đối không nên truy cập và điền thông tin cá nhân trên các trang web giả mạo này. Thông tin chính thức của VNA chỉ được công bố trên website: https://www.vietnamairlines.com/
Facebook fanpage: https://www.facebook.com/vn.VietnamAirlines.
Liên kết đang được chia sẻ trên mạng thông báo chương trình tặng vé của VNA nhân dịp 28 năm thành lập. Tuy nhiên, VNA khẳng định hãng không có chương trình tri ân này và vừa qua, hãng kỷ niệm 22 năm thành lập chứ không phải 28 năm.
Đại diện VNA cho biết đây là một trong số các trang web lừa đảo xuất hiện gần đây và đang có sức lan tỏa rất mạnh do được nhiều người dùng Facebook chia sẻ. Tuy nhiên đến nay, hãng chưa tiếp nhận phản ánh cụ thể nào của khách hàng bị sập bẫy, có thể chưa ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, từ Sepang - Malaysia, Bộ phận truyền thông Tập đoàn Hàng không AirAsia mới đây đã phát đi thông cáo khẳng định không thực hiện bất cứ chương trình tặng vé miễn phí cũng như khảo sát trực tuyến nào như thông tin lan truyền trên Facebook, tại đường link www.airasia.com-2017- Givea.us.
AirAsia cũng khuyến cáo hành khách không click vào các bài viết dẫn đến link liên kết www.airasia.com-2017-Givea.us, yêu cầu người tham gia trả lời một số câu hỏi khảo sát; bài viết về thông tin cung cấp 268 vé AirAsia miễn phí nhân dịp kỷ niệm 28 năm thành lập AirAsia.
Đồng thời, AirAsia khẳng định sẽ không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ khiếu nại nào liên quan đến các bài viết nói trên. Tất cả thông báo đều được thực hiện qua các kênh chính thức của AirAsia và các phương tiện thông tin đại chúng đáng tin cậy. AirAsia sẽ không ngần ngại thực hiện hành động pháp lý đối với cá nhân hoặc nhóm người tổ chức các chương trình bất hợp pháp bằng cách sử dụng thương hiệu AirAsia. Nếu nghi ngờ có sự lợi dụng thương hiệu AirAsia, hãng khuyến cáo khách hàng liên lạc với AirAsia thông qua các kênh thông tin chính thức sau đây: www.facebook.com/airasia; www.twitter.com/airasia; www.airasia.com/ask.
Trước phản ứng của không ít người trên mạng xã hội, đến nay đã có link liên quan đến lừa đảo vé máy bay của Jetstar, AirAsia bị xóa.
Chủ yếu lừa tiền, lấy thông tin cá nhân
VNA cho biết đầu năm 2017 cũng xảy ra tình trạng lừa đảo nhắm đến những du học sinh mới sang Nhật hoặc người có ít kinh nghiệm đặt vé máy bay. Các đối tượng lừa đảo lập tài khoản trên Facebook và giả mạo là đại lý, phòng vé của VNA. Người bị hại tin tưởng gửi thông tin cho đối tượng lừa đảo đặt chỗ.
Đối tượng lừa đảo sau khi đặt chỗ trên website của VNA yêu cầu nạn nhân ra cửa hàng tiện lợi mua mã số Web Money (một dạng thẻ điện thoại hoặc thẻ game ở Việt Nam) đúng số tiền yêu cầu để làm thủ tục thanh toán online. Tiếp theo, đối tượng lừa đảo gửi một đường link đặt vé VNA cho nạn nhân, yêu cầu họ điền mã đặt chỗ và code trả tiền Web Money vào ô đăng nhập hội viên. Chúng gửi kèm hình ảnh minh họa trang mua vé trực tuyến của VNA đã đăng nhập với một tài khoản có tên VNABooking để khách tin tưởng.
Khi mở đường link và thấy giao diện không giống ảnh minh họa, khách hàng thấy bất an, thông báo lại cho đối tượng lừa đảo thì được trả lời vì đăng nhập bằng điện thoại hoặc vì dùng mạng của hãng A, B, C... nên không mở được. Tiếp đó, chúng yêu cầu người bị hại gửi code số tiền mà họ đã mua cho bọn chúng để bọn chúng đăng nhập giúp. Khách hàng cả tin làm theo, sau khi nhận được code có giá trị số tiền đó, chúng block người bị hại và dùng code này để lấy tiền Web Money của nạn nhân.
Qua xác minh, hệ thống của VNA không có tên đăng nhập nào là VNABooking như các đối tượng lừa đảo quảng cáo. Rất có thể đối tượng đã chỉnh sửa hình ảnh chụp màn hình website VNA đăng nhập bằng tài khoản đăng nhập giả mạo để gửi cho nạn nhân.
Các chiêu trò lừa đảo vé máy bay thường xuất hiện khi nhu cầu đi lại của người dân gia tăng vào mùa cao điểm hè. Các hãng hàng không khuyến cáo hành khách chỉ nên mua vé tại website chính thức hoặc các đại lý được ủy quyền, đáng tin cậy, tránh sập bẫy nếu kẻ gian cài thêm đường dẫn để yêu cầu người dùng "xác nhận trúng thưởng" để lấy thông tin cá nhân.
Giá vé thấp hơn tối đa 100.000 đồng so với giá web Đại diện một hãng hàng không cho biết những kẻ lừa đảo luôn đưa ra mức giá thấp hơn tới cả triệu đồng hoặc tặng vé miễn phí. Tuy nhiên, thực tế nếu có giá tốt hơn thì chỉ có thể rẻ hơn được vài chục ngàn đồng đến khoảng 100.000 đồng do đại lý cắt bớt thù lao đại lý, cắt phí phục vụ chứ không thể có mức chênh lớn hơn so với giá thông báo trên website. Thông thường, các hãng hàng không không có chương trình tặng vé máy bay miễn phí phổ cập bởi bán vé 0 đồng đã là một hình thức tương tự, áp dụng theo đặc thù của ngành. |
Nhiều đối tượng đã bán vé máy bay cho khách hàng bằng phiếu đặt chỗ. Sau khi nhận tiền chúng hoàn vé, hủy vé để lừa...