Reuters: Sức mạnh răn đe của tàu ngầm Việt Nam
Các chuyên gia cho hay tàu ngầm Kilo Việt Nam đang tạo thành bức tường răn đe hiệu quả ở Biển Đông.
Ngày 8/9, hãng thông tấn Reuters cho hay Việt Nam sắp có khả năng răn đe hải quân hiệu quả đối với Trung Quốc trên Biển Đông bằng lực lượng tàu ngầm Kilo của Nga, và các chuyên gia phân tích cho rằng điều này sẽ khiến Bắc Kinh phải dè chừng trong việc gây sức ép với các nước láng giềng nhỏ hơn trên các vùng biển tranh chấp.
Vốn là một bậc thầy trong chiến tranh du kích, Việt Nam hiện đang sở hữu 2 tàu ngầm Kilo rất hiện đại và sẽ tiếp nhận chiếc thứ ba vào tháng 11 tới đây theo hợp đồng trị giá 2,6 tỉ USD ký với Nga từ năm 2009. Trong 2 năm tiếp theo, 3 chiếc tàu ngầm còn lại dự kiến cũng sẽ được bàn giao cho Việt Nam.
Lễ thượng cờ trên tàu ngầm HQ-182 Hà Nội
Reuters dẫn lời các chuyên gia phân tích quân sự cho rằng, với lực lượng tàu ngầm Kilo hiện đại này, nhiều khả năng Việt Nam sẽ thực hiện các hoạt động chống tiếp cận ở ngoài khơi bờ biển và xung quanh quần đảo Trường Sa.
Răn đe hiệu quả
Điều đó sẽ khiến Trung Quốc “đau đầu” hơn khi tính đến bất cứ động thái quân sự nào nhắm vào quần đảo Trường Sa của Việt Nam hay các khu vực giếng dầu tiềm ẩn tranh chấp, ngay cả khi Trung Quốc đang sở hữu một lực lượng hải quân lớn hơn với hạm đội tàu ngầm 70 chiếc.
Ông Collin Koh thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nhận định: “Chiến lược chống tiếp cận trên biển nghĩa là tạo ra một hàng rào răn đe và tâm lý bằng cách khiến cho đối thủ mạnh hơn không bao giờ biết được tàu ngầm của bạn đang ở đâu”.
Ông này nói tiếp: “Đây là hình thức tác chiến không đối xứng điển hình mà một nước nhỏ hơn thường áp dụng để chống lại nước lớn, và tôi cho rằng Việt Nam hiểu rất rõ điều đó, và họ có thể hoàn chỉnh nó trong môi trường dưới lòng biển”.
Tàu ngầm Kilo có thể dựng lên hàng rào răn đe rất vững chắc (Ảnh minh họa)
Với việc các kíp thủy thủ tàu ngầm liên tục được đào tạo, huấn luyện ở Nga, các chuyên gia phân tích cho rằng Việt Nam sẽ có thể nhanh chóng đưa hạm đội tàu ngầm của mình vào hoạt động trên Biển Đông.
Ông Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu chuyển giao vũ khí tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho hay: “Việt Nam đã làm thay đổi cả cuộc chơi khi sở hữu 2 tàu ngầm Kilo cùng kíp thủy thủ và những vũ khí phù hợp. Từ cách nhìn của người Trung Quốc, hàng rào răn đe mà Việt Nam dựng lên đã thực sự hiện hữu”.
Ngoài các ngư lôi tầm ngắn, tàu ngầm Kilo hiện đại còn có thể phóng tên lửa chống hạm Klub từ khoảng cách 300 km trong khi đang ở trạng thái lặn. Ông Wezeman ước tính rằng Việt Nam đã nhận được ít nhất 10 trong số 50 tên lửa Klub trong năm nay.
Hiện đại hơn tàu ngầm Kilo Trung Quốc
Trong khi đó, ông Zhang Baohui, chuyên gia an ninh tại Đại học Lingnan Hong Kong tin rằng các nhà hoạch định chiến lược quân sự của Trung Quốc đang rất lo ngại về số tàu ngầm Kilo của Việt Nam.
Tàu ngầm diesel-điện Kilo được coi là một trong những tàu ngầm phát ra ít tiếng ồn nhất trên thế giới, đến mức NATO phải đặt cho nó biệt danh là “Hố đen trong lòng đại dương”.
Tàu ngầm Kilo được mệnh danh là "Hố đen trong lòng đại dương"
Ông Vasily Kashin, nhà phân tích chiến lược ở Moscow tin rằng tàu ngầm Kilo của Việt Nam hiện đại hơn về công nghệ so với 12 tàu ngầm Kilo hiện đang hoạt động trong hải quân Trung Quốc và được mua từa cách đây một thập kỷ.
Ông Kashin cho hay hệ thống hấp thụ âm thanh bên trong tàu ngầm Kilo của Việt Nam đã được cải tiến đáng kể, bên cạnh đó là các hệ thống nạp và điều khiển vũ khí cũng hiện đại hơn.
Một số tờ báo của Nga cho hay các tàu ngầm của Việt Nam hiện đang được bố trí ở quân cảng Cam Ranh, một địa điểm được cho là hoàn hảo cho tàu ngầm Kilo. Quân cảng này là địa điểm gần với quần đảo Trường Sa nhất về phía nam, và quần đảo Hoàng Sa cũng nằm trong tầm hoạt động của tàu ngầm Kilo xuất phát từ đây.