“Rết biển” giống rồng thời Lý là... giun
TS Phạm Đình Trọng, nguyên cán bộ Viện sinh thái tài nguyên sinh vật, là người đã nghiên cứu sâu về động vật không xương sống khẳng định: Loài “rết biển” giống rồng thời nhà Lý thực chất là loài giun nhiều tơ thuộc họ rươi.
Yếu tố khiến giun nhiều tơ giống rồng
TS Phạm Đình Trọng phân tích, loài giun nhiều tơ thuộc họ Rươi, ngành Giun đốt (Annelida), giới Động vật không xương sống. Loài giun này sống vùi mình giữa các khe hang nhỏ chằng chịt ở nền đáy như cát bùn, bùn cát, sét cát, giữa các mảnh vụn vỏ sinh vật như san hô chết, trai ốc biển, mùn bã thực vật ngập mặn. Do vậy vùng biển vịnh Hạ Long là nơi sinh cư phổ biến của các loài giun nhiều tơ.
Giun nhiều tơ hoàn toàn khác rết. Hai bên thân nhiều tơ có các chân phụ kiểu “chân bên”. Mỗi chân bên đều có các thuỳ bụng, thuỳ lưng và thuỳ giữa và các xúc tu. Trên các thuỳ này có các bó lông Ki-tin làm nhiệm vụ bơi. Có lông dạng bơi chèo, lông bảo vệ với nhiều gai sắc nhọn... Các xúc tu lưng và bụng còn làm nhiệm vụ như một cơ quan cảm giác hoá học và cơ học.
Điều ấn tượng khiến nhiều người ví von giun nhiều tơ giống rồng thời Lý chính là sự uốn éo của giun. Khi ở trong nước, gặp ánh sáng khúc xạ chiếu vào làm hiện lên màu vàng lóng lánh. Khi bơi, khi bò loài giun phải vặn mình để các chân, lông làm nhiệm vụ vận động nên trong nó uốn éo như “rồng”.
Trên đầu giun nhiều tơ có đầy đủ cac bộ phận như mắt, miệng và các cơ quan cảm giác (xúc tu, núm/lồi) làm nhiệm vụ định hướng vận động, kiếm mồi. Phần phụ miệng gồm có bộ hàm, răng và các mấu răng sừng hoặc lồi răng cùng các xúc tu hai bên đầu và miệng. Các bộ phận này giúp cho giun nhiều tơ có khả năng tìm mồi, nghiền nhỏ mồi. Thức ăn chủ yếu là mùn bã thực vật, sinh vật nhở hoặc sinh vật phù du nhỏ bám đáy.
Miệng giun có răng kitin màu vàng óng nhưng đen ở gốc. Nếu soi lên kính hiển vi soi nổi thấy rất đẹp. Răng chỉ làm nhiệm vụ nghiền, nhai mồi, không cắn người.
Máu của một số loài giun nhiều tơ có sắt hoặc đồng nên máu có màu đỏ, đôi khi có sắc xanh.
Giun sống ở biển là chính (có rất ít loài ở nước ngọt), có ở mọi độ sâu từ vùng triều đến vùng nước sâu hàng trăm mét, nơi có rất ít ánh sáng. Chúng sống trong mọi sinh cảnh biển như nước lợ cửa sông, bãi triều lầy, bãi triều cát, trong thảm rong-cỏ biển, rừng ngập mặn...
Nhiều loài giun tơ sống ở vùng nước sâu, có khả năng chịu được áp suất lớn. Tuy vậy loài giun qua phản ánh của người dân chỉ là loài sống ở vùng triều cát ít bùn. Nước ta có khoảng 500 loài giun nhiều tơ, chỉ riêng vùng biển Quảng Ninh đã điều tra thống kê được 217 loài. Đây là một đặc thù đa dạng sinh học của Di sản thiên nhiên Thế giới mới Vịnh Hạ Long.
Đặc sản biển nhưng cũng gây độc
Một trong những loài giun nhiều tơ nổi tiếng, là món ăn đặc sản của vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ đó là Rươi, tên khoa học là Tylorrhynchus heterochaetus Quatrefagès.
Hà Nội có phố Hàng Rươi từ xa xưa, chứng tỏ con Rươi một thời là đặc sản rất phổ biến nhưng ngày nay loài này đã ít do môi trường sống của chúng bị thay đổi thậm chí biến mất.
Trong giun nhiều tơ có một số loài gây hại. Ví dụ như “sâu lông”, một loài giun nhiều tơ thuộc họ Amphinomidae, ở vùng biển Nam Bộ nước ta vào mùa sinh sản, tháng 4-5 hàng năm, độc tố của chúng gây cho vùng nước bị bẩn, gây ngứa ngáy, khó chịu cho người, cho thuỷ sản. Ngoài ra chúng còn ăn cả cá con, tôm con làm ảnh hưởng nặng đến nuôi trồng và khai thác thuỷ sản.
Cũng có một số loài giun nhiều tơ, các lông nối với tuyến chứa chất độc để tự vệ. Khi khách du lịch giẫm phải chúng sẽ bị lông cắm vào da gây nhức, ngứa nhưng không gây tác hại gì đáng kể cho sức khoẻ.