Rắn lục đuôi đỏ cắn người: Không nên quá hoang mang

Gần đây, loài rắn lục đuôi đỏ xuất hiện tràn lan và tấn công người dân Quảng Nam, Quảng Ngãi trong lúc đi làm vườn, phát rẫy,… Mới đây, loài rắn này còn xuất hiện tại Đà Nẵng khiến người dân bất an.

Rắn lục cắn khiến nhiều người nhập viện

Nằm điều trị tại khoa Y học nhiệt đới (BV Đà Nẵng), ông Lê Viên Dũng (40 tuổi, trú Nông Sơn, Quảng Nam) kể: “Cách đây một tuần, tôi đang đi phát rẫy thì bất ngờ bị một con rắn lục đuôi màu đỏ to gần bằng cổ tay chui từ trong bụi rậm ra cắn vào chân. Lúc đó, tôi choáng váng, đau nhức. Tôi được cấp cứu tại Bệnh viện Quế Sơn. Sau vì độc tố phát tác khiến chân sưng phù, khắp người bầm tím nên các bác sĩ yêu cầu tôi chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng”.

Sau một tuần điều trị, hiện sức khỏe của ông Dũng đã hồi phục, nhưng chỗ vết thương vẫn sưng tấy, trên người còn vết bầm tím nên ông vẫn được bác sĩ theo dõi.

Rắn lục đuôi đỏ cắn người: Không nên quá hoang mang - 1

Ông Lê Viên Dũng (trú Nông Sơn, Quảng Nam) bị rắn lục đuôi đỏ cắn đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng

Ông Nguyễn Công Minh (44 tuổi, trú thị trấn Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam) cho hay, cách đây 2 tuần, ông đi bẫy chim. Dù đã đeo ủng nhưng ông Minh vẫn bị một con rắn lục đuôi đỏ bò vào cắn xuyên vào ngón chân. Ông được đưa đến trung tâm y tế địa phương sơ cứu, sau đó chuyển ra khoa Hồi sức tích cực-Chống độc-Bệnh viện Đà Nẵng.

Tại khoa Y học Nhiệt đới còn có trường hợp của bà Lê Thị Lại (50 tuổi, Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam) đang điều trị vì rắn lục đuôi đỏ cắn trong lúc đang làm vườn.

Ngoài Bệnh viện Đà Nẵng, các bệnh viện tại Quảng Nam và Quảng Ngãi cũng tiếp nhận hàng chục ca đến chữa trị do bị rắn lục đuôi đỏ tấn công.

Xuấn hiện nhiều nơi tại Đà Nẵng

Ngoài Quảng Nam, Quảng Ngãi, thời gian vừa qua, người dân sống tại quận Sơn Trà, Liên Chiểu, huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) cũng liên tục phát hiện rắn lục đuôi đỏ.

Rắn lục đuôi đỏ cắn người: Không nên quá hoang mang - 2

Một con rắn lục đuôi đỏ bị người dân phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) phát hiện và đập chết

Ông Nguyễn Văn Hoàng (38 tuổi, trú tổ 210, phường Hòa Minh) cho biết: “Chiều 21/11, tôi đang chặt cây tại trại gà ở hạ lưu kênh cầu Đa Cô thì bất ngờ nhìn thấy con rắn lục đuôi đỏ to hơn ngón chân cái, dài khoảng 60cm chui từ trong bụi rậm ra. Tôi liền kêu thêm mấy anh em công nhân làm công trình gần đó chạy đến dùng xẻng, gậy gộc đập chết con rắn này.”

Ông Hoàng cho biết thêm, cách đây hơn một tuần, người bạn ông tên Quang đi chặt cây ở khu vực phường Hòa Khánh Nam cũng phát hiện và đập chết một con rắn lục đuôi đỏ.

Trong vòng một tháng trở lại đây, rắn lục đuôi đỏ liên tục bò vào nhà tấn công gần người ở tổ 4, phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà). Tại gia đình chị Nguyễn Thị Thúy Vân, chỉ trong vòng 20 ngày, đã có 2 con rắn lục đuôi đỏ bụng to bò vào nhà.

Hôm qua (23/11), người dân sống trên đường Hồ Nghinh (tổ 4, Phước Mỹ) cũng vừa phát hiện và đập chết một con rắn tương tự.

Không nên quá hoang mang

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Lương-Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.Đà Nẵng cho biết, thời gian qua có theo dõi thông tin trên báo chí nói về việc rắn lục đuôi đỏ xuất hiện và tấn công người dân ở các địa phương khác. “Riêng ở Đà Nẵng, chúng tôi có nghe một số thông tin từ người dân có rắn lục xuất hiện và đã điều tra hai ngày qua nhưng chưa có kết quả gì. Nếu sự việc nghiêm trọng như các tỉnh khác, chúng tôi sẽ xin y kiến chỉ đạo từ cấp trên để có hướng giải quyết” - ông Lương nói.

Theo thạc sỹ, bác sỹ Lâm Trọng Cơ-Trưởng phòng Cấp cứu (Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng), người dân không nên quá hoang mang vì rắn lục đuôi đỏ là loài rắn có độc tố nhưng rất khó gây tử vong. Tuy nhiên, nếu không biết cách sơ cứu và chữa trị kịp thời thì sẽ gây hoại tử phần mềm.

Khi bị rắn cắn, người dân không nên quá hoảng loạn mà phải biết cách sơ cứu theo khoa học. Không nên dùng vật sắc nhọn rạch vết thương để hút máu vì không hiệu quả, lại dễ gây nhiễm trùng. Nếu gặp chứng rối loạn đông máu phổ biến ở nọc độc rắn thì rất dễ gây mất máu cấp. Tuyệt đối không ga-rô vết thương vì làm như vậy sẽ ngăn cản tuần hoàn, lưu thông máu.

Thay vào đó, chỉ cần lấy vải hoặc dây thun băng ép đoạn trên vết cắn để hạn chế hoạt động của hệ bạch huyết, đồng thời dùng các vật cứng nẹp cố định khu vực bị cắn. Cần hạn chế vận động để làm giảm quá trình trao đổi máu. Ngay sau khi sơ cứu, chuyển nạn nhân đến bệnh viện để được điều trị càng sớm càng tốt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Dương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN