Rắn độc hoành hành: Nhiều sinh viên, công nhân bất an
Nhiều sinh viên, công nhân ở trọ tại TP Cần Thơ luôn cảm thấy bất an trước tình trạng rắn lục đuôi đỏ tấn công người.
Thời gian gần đây, ngành y tế ở các tỉnh, thành ĐBSCL liên tục đưa ra những cảnh báo cũng như hướng dẫn người dân phòng ngừa trước sự tấn công của rắn lục đuôi đỏ. Tuy nhiên, số trường hợp bị loài rắn độc này cắn vẫn tiếp tục nâng lên.
Đủ kiểu bị rắn cắn
Sáng 9-9, thông tin từ Khoa Nội tiêu hóa của Bệnh viện Quân Y 121 (TP Cần Thơ) cho biết đã điều trị thành công cho một bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào vị trí rất khó tin. Trong ngày hôm nay, bệnh nhân này sẽ được xuất viện.
Vào một đêm cuối tháng 8, ông L.V.L. (SN 1964, ngụ huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) tổ chức nhậu tại nhà cùng với vài người bạn trong xóm. Ở nông thôn nên xung quanh nhà ông L. có rất nhiều cây cối, bụi rậm. Đang nhậu trong ánh đèn điện tờ mờ do vào giờ cao điểm của buổi tối, ông L. cảm thấy nhói đau ở tay trái. Theo phản xạ, ông L. dùng tay phải chụp vào chỗ đau thì phát hiện trúng con vật gì đó mềm nhũn. Đưa lên gần mắt để xem và nói chuyện cùng với những người đang nhậu thì bất ngờ con vật lạ mổ tiếp vào đầu lưỡi của ông L. Vứt mạnh con vật xuống đất, mọi người mới phát hiện đây là rắn lục đuôi đỏ nên vội đưa ông L. đến Bệnh viện Đa khoa Cầu Kè cấp cứu, sau đó chuyển lên Bệnh viện Quân Y 121.
Rắn lục đuôi đỏ hiện là nỗi bất an của người dân ở ĐBSCL. Ảnh Internet
Bác sĩ Đặng Ngọc Thuyết, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Quân Y 121, cho biết: Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lưỡi sưng rất to khiến khó thở, tăng tiết đàm. Vì thế, đội ngũ y- bác sĩ tức tốc mở khí quản cấp cứu, truyền 18 lọ huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu, dùng thuốc chống rối loạn đông máu... Đến ngày hôm sau, sức khỏe của bệnh nhân L. bắt đầu có dấu hiệu hồi phục.
Trước đó khoảng một tuần lễ, Bệnh viện Quân Y 121 cũng tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân T.T.H.C. (SN 1979, ngụ quận Cái Răng, TP Cần Thơ) bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào chân khi đi làm vườn. Sau khoảng 2 giờ bị rắn cắn, bệnh nhân C. được người thân chuyển đến bệnh viện trong tình trạng chân bị sưng tấy, đau dữ đội, có dấu hiệu rối loạn đông máu. Sau khi được cấp cứu như bệnh nhân L., do phát hiện bệnh nhân C. mang thai khoảng 36 tuần tuổi và có dấu hiệu dọa sảy thai nên bác sĩ bộ phận khoa sản của bệnh viện chỉ định mổ lấy thai để cứu con. Kết quả, cả 2 mẹ con chị C. được “mẹ tròn con vuông” trong nỗi vui mừng của người thân lẫn đội ngũ y- bác sĩ của Bệnh viện Quân Y 121. “Hay tin C. bị rắn độc cắn, gia đình tôi mất ăn mất ngủ vì lo cho sự sống của mẹ con C.”- một người thân của chị C. cho biết.
Mới đây, một nam sinh viên ở TP Cần Thơ cũng bị rắn độc cắn trúng vào “của quý” khi anh này ra sau hè nhà trọ đi tiểu vào ban đêm. Nhờ bạn bè đưa vào bệnh viện cấp cứu sớm nên sinh viên này giữ được tính mạng. Cũng có trường hợp, bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào vùng mông vì đi “đại tiện” ở bụi cây cho… mát.
Nên phát hoang bụi rậm
May mắn không bị rắn lục đuôi đỏ cắn nhưng mỗi khi ai đó nhắc đến chuyện bị loài rắn độc này cắn phải thì anh Phan Văn Chanh Ly (ở trọ tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) luôn cảm thấy… ớn lạnh. Anh Ly cho biết cách đây không lâu, khi anh từ trong phòng trọ bước ra dắt chiếc xe gắn máy của mình đang dựng trước lan can của dãy nhà trọ thì phát hiện một con rắn lục đuôi đỏ khoanh tròn phía trước đầu xe. Định bỏ chạy vào phòng nhưng anh Ly trấn an lại và dùng cây đập chết con rắn vì nghĩ nếu để nó bò đi thì chắn chắn sẽ có người khác là nạn nhân của con rắn độc này. “Xung quanh dãy nhà trọ tôi đang ở có rất nhiều cỏ dại mọc um tùm. Vì thế mà rắn lục chọn làm nơi ẩn náo”, anh Ly cho biết.
Anh Phan Văn Chanh Ly kể lại việc xuýt bị rắn lục đuôi đỏ tấn công. Ảnh: Công Tuấn
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn đều sinh sống hoặc ở trọ tại những nơi không được thường xuyên phát hoang bụi rậm. Tại TP Cần Thơ, số người dân, đặc biệt là sinh viên, bị loài rắn độc này cắn thường cư ngụ tại một số khu vực quy hoạch “treo” ở quận Ninh Kiều, khu dân cư “ma” ở phường Phú Thứ, phường Hưng Thạnh… của quận Cái Răng.
Theo các chuyên gia về y tế, rắn lục đuôi đỏ (tên khoa học là Trimeresurus albolabris hay còn gọi là rắn lục mép trắng, rắn lục tre…) sinh sống ở độ cao thấp, thường được tìm thấy ở các bụi tre, cây trứng cá, vườn cây rậm rạp… Do thị lực kém vào ban ngày, sáng vào ban đêm nên rắn lục đuôi đỏ thường ra ngoài kiếm mồi vào buổi tối. Trong số các loài rắn lục thì rắn lục đuôi đỏ là loài cực độc. Khi cắn, loài rắn này truyền vào cơ thể nạn nhân lượng chất độc với khoảng 20 thành phần khác nhau. Chất độc này khiến vết thương bị phù nề, gây tan máu, nhiễm độc thần kinh, thậm chí bệnh nhân còn bị trụy tim. Nếu bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cái đang mang thai cắn phải thì nguy cơ tử vong cao hơn rất nhiều so với rắn lục đuôi đỏ bình thường. Bởi lẽ lúc mang thai, nọc độc của loài rắn độc này sẽ cực mạnh. Ngoài ra, một điều cần lưu ý là rắn lục đuôi đỏ không tự nhiên tấn công con người nếu chúng không bị kích động hay bị đạp trúng, chạm trúng…
Hàng loạt khu dân cư bỏ hoang ở TP Cần Thơ là nơi lý tưởng để rắn lục đuôi đỏ sinh sống và phát triển. Ảnh: Công Tuấn
Bộ Y tế từng đưa khuyến cáo, khi bị rắn độc cắn, trong đó có rắn lục đuôi đỏ, bệnh nhân cần được rửa sạch vết thương, nhanh chóng cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị rắn cắn để tránh gây chèn ép khi chi sưng tất, phù nề. Tuyệt đối không để bệnh nhân tự đi lại, không rạch vết cắn mà chỉ nên nặn, hút máu tại vết cắn để loại bỏ bớt nọc độc… Sau đó, bệnh nhân cần được chuyển nhanh chóng tới các khoa cấp cứu hoặc khoa hồi sức chống độc để tiêm huyết thanh. Bởi lẽ, huyết thanh phát huy tác dụng tốt nhất trong khoảng 4 giờ sau khi bị rắn độc cắn.
Cũng theo Bộ Y tế, để phòng rắn độc cắn, người dân cần phát quang bụi rậm quanh nhà, không treo giàn hoa, dây leo trước nhà. Còn theo kinh nghiệm dân gian, để xua đuổi rắn, người dân nên trồng sả hoặc rắc bột lưu huỳnh quanh nhà. Chất lưu huỳnh có thể xua đuổi một số loài vật vốn là thức ăn ưa thích của rắn như ếch, nhái, chuột, sâu bọ…