Rầm rộ khoét núi, phá rừng tìm vàng (*): Cơ quan chức năng nói gì?

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Sau loạt phóng sự - điều tra "Rầm rộ khoét núi, phá rừng tìm vàng" của Báo Người Lao Động, chính quyền địa phương và lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị khẳng định sẽ quyết tâm truy quét, không để tình trạng này tái diễn

Ngày 7-7, ông Lê Đại Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị), cho biết vừa dẫn đầu đoàn kiểm tra vào thượng nguồn suối Ka Ruông (xã Tà Long) để kiểm tra tình hình khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực này sau khi Báo Người Lao Động đăng loạt phóng sự - điều tra "Rầm rộ khoét núi, phá rừng tìm vàng".

Máy móc đã được tẩu tán

Tại cuộc kiểm tra, đoàn công tác ghi nhận một số lán trại của phu vàng tại khu vực suối Ka Ruông đã được tháo dỡ bạt, máy móc được di dời, không có ai tại hiện trường. Tuy nhiên, gần các lán còn cất giấu quần áo, thuốc lá, gạo và máy bơm nước. Lực lượng chức năng phá hủy lán trại, đồ đạc và máy móc còn để lại.

Theo ông Lê Đại Lợi, qua kiểm tra, phát hiện tại khu vực thượng nguồn suối Ka Ruông có 3 đường hầm cũ (do một công ty được cấp quyền khai thác khoáng sản vào khoảng năm 2009) đang khai thác lại trái phép. Tuy nhiên, khối lượng đất đá tại hiện trường chưa nhiều. Đặc biệt, có một đường hầm sâu khoảng 3 m, rộng 1 m, cao 1,5 m vừa được đào mới để khai thác khoáng sản trái phép.

Ông Lợi thông tin trước đó, ngày 19-6, Công an huyện Đakrông, UBND xã Tà Long và Đồn Biên phòng Pa Nang cũng đã truy quét phu vàng tại khu vực này. Tại đây, lực lượng chức năng đã đẩy đuổi khoảng 25 phu vàng ra khỏi rừng, phá hủy nhiều lán trại cùng nhiều máy móc phục vụ cho việc khai thác khoáng sản trái phép.

Về thông tin cây rừng bị triệt hạ dọc theo suối Ka Ruông mà Báo Người Lao Động phản ánh, đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông xác nhận trong quá trình kiểm tra có ghi nhận tình trạng trên. Theo đó, phần lớn cây rừng đã bị đốn hạ một thời gian nhưng cũng có cây vừa mới bị đốn. Trả lời câu hỏi cây rừng bị đốn hạ đã một thời gian, vậy chủ rừng có báo cáo hay không, đại diện đơn vị này nói chưa nhận được báo cáo.

Ông Lê Đại Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị), dẫn đầu đoàn kiểm tra vào suối Ka Ruông. (Ảnh do UBND huyện Đakrông cung cấp)

Ông Lê Đại Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị), dẫn đầu đoàn kiểm tra vào suối Ka Ruông. (Ảnh do UBND huyện Đakrông cung cấp)

Sẽ lập tổ chốt giữ

Ông Lê Đại Lợi nhận xét loạt phóng sự - điều tra của Báo Người Lao Động sát với thực tế, đồng thời khẳng định UBND huyện Đakrông sẽ tổ chức lực lượng kiểm tra, nắm bắt tình hình, truy quét nhằm chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực suối Ka Ruông.

"Ngoài ra, huyện sẽ chỉ đạo các lực lượng liên quan tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các đối tượng lạ mặt lưu trú trên địa bàn, đặc biệt ở địa bàn biên giới gần khu vực xảy ra khai thác khoáng sản trái phép để đưa vào quản lý. Trong tuần này, huyện sẽ có văn bản báo cáo UBND tỉnh và ban hành văn bản chỉ đạo chung để chấn chỉnh" - ông Lợi quả quyết.

Trong khi đó, đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, thông tin đã 2 lần bộ đội biên phòng tổ chức lực lượng vào suối Ka Ruông để truy quét, đẩy đuổi phu vàng. Tuy nhiên, khi thấy lực lượng chức năng, các đối tượng này bỏ trốn vào rừng. "Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo Đội Đặc nhiệm và Phòng phòng chống ma túy tổ chức lực lượng, phối hợp với địa phương truy quét. Chúng tôi sẽ đấu tranh kiên trì" - đại tá Phương khẳng định, đồng thời cho biết sẽ thành lập tổ công tác chốt chặn, kiểm soát tất cả hoạt động ra vào địa bàn nghi vấn có tình trạng khai thác vàng trái phép để ngăn chặn triệt để. 

Truy quét, đẩy đuổi thành phần bất hảo

Trong ngày 7-7, ông Trần Văn Tý, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị, cũng đã ký công văn gửi Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng về việc tăng cường các biện pháp đấu tranh ngăn chặn tình trạng xâm hại rừng để tìm vàng trái pháp luật. Theo đó, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh này yêu cầu các đơn vị trên tổ chức kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh của Báo Người Lao Động, đồng thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời tình hình khai thác lâm sản trái pháp luật; tổ chức truy quét, đẩy đuổi các đối tượng có hành vi xâm lấn rừng, phá rừng tìm vàng trái phép; điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng.

Rầm rộ khoét núi, phá rừng tìm vàng: Núi rừng tan hoang

Việc khai thác vàng trái phép khiến khe suối, núi rừng nham nhở, không những thế, hàng loạt cây rừng cũng bị triệt hạ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm phóng viên ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN