Rác trên vịnh Hạ Long không xuất phát từ du khách, vậy từ đâu ra?

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Vấn đề rác và chất lượng môi trường vịnh Hạ Long đã được tỉnh Quảng Ninh đề cập tới tại cuộc họp báo thường kỳ quý I, gồm cả yếu tố khách quan không thể tránh khỏi và nỗ lực khắc phục của địa phương.

Trước thông tin phản ánh về tình trạng rác thải trôi nổi và ô nhiễm nước thải trên vịnh Hạ Long, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1 do UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hôm nay, 8-4, Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long Vũ Kiên Cường nêu đánh giá, quan điểm của cơ quan quản lý.

Rác trôi nổi trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: Anh Vũ

Rác trôi nổi trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: Anh Vũ

Bốn nguồn rác

Theo ông Cường, rác trên vịnh Hạ Long xuất phát từ bốn nguồn chính.

Thứ nhất là hệ quả của quá trình tháo dỡ lồng bè. Từ năm 2023 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt chỉ đạo xử lý triệt để tình trạng nuôi trồng thuỷ sản không đúng quy định tại các khu vực ven bờ và phụ cận vịnh Hạ Long, trong đó có chuyển đổi vật liệu nuôi trồng thuỷ sản từ phao xốp sang các vật liệu bền vững khác.

Trong quá trình này, một lượng không nhỏ phao xốp thải ra chưa được tập kết, thu gom kịp thời đã theo dòng chảy phát tán sang một số khu vực trong vịnh Hạ Long. Một số dạt vào các chân đảo và các khu rừng ngập mặn.

Nguồn thứ hai là rác thải sinh hoạt như túi nilong, vỏ đựng thực phẩm, chai nhựa… phát tán từ bờ ra vịnh.

Tàu của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đi vớt rác tồn đọng trên các đảo. Ảnh: Anh Vũ

Tàu của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đi vớt rác tồn đọng trên các đảo. Ảnh: Anh Vũ

Nguồn thứ ba bắt nguồn tức rác ở các khu vực lân cận. Một số thời điểm trong năm, do ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, thủy triều, gió và dòng chảy, chất thải từ các khu vực tiếp giáp trôi, phát tán vào khu vực di sản vịnh Hạ Long.

Nguồn rác thứ tư là do đặc thù vịnh Hạ Long với địa hình là vùng biển đảo rộng lớn, nhiều đảo đá với 5.000 hecta rừng đặc dụng cảnh quan. “Trong đợt giông lốc vừa qua, gió giật mạnh, khiến nhiều cành cây, lá cây từ trên núi đá trôi xuống biển, tạo thành dòng rác” – ông Cường nói.

Còn đối với tình trạng ô nhiễm nước thải, Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long cho rằng nguyên nhân chính là do hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại một số khu dân cư cũ trải dài ven bờ vịnh Hạ Long chưa đồng bộ, làm phát sinh nước thải chưa xử lý ra ngoài môi trường.

Vịnh Hạ Long lại là nơi tập trung nhiều phương tiện giao thông thủy, trong đó có các phương tiện đánh bắt lạc hậu. Một số người dân ý thức chưa cao nên vẫn xả trực tiếp các loại chất thải, kể cả lẫn dầu ra môi trường.

Nhiều giải pháp

Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long Vũ Kiên Cường khẳng định tỉnh Quảng Ninh không hề có sự buông lỏng về việc bảo vệ môi trường trên vịnh, đồng thời khẳng định rác trên vịnh không xuất phát từ khách du lịch, mà tập trung từ bốn nguồn nêu trên.

“Từ bốn nguồn này thì không thể tránh khỏi rác xuất hiện trên vịnh Hạ Long. Kiểm soát rác từ các nguồn này là hết sức khó khăn. Dù vậy, khi phát sinh lượng rác lớn thì chúng tôi sẽ có các chiến dịch, đợt ra quân để thu gom, xử lý kịp thời” – ông Cường nói.

Tàu của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thu gom rác mỗi ngày trên vịnh. Ảnh: Anh Vũ

Tàu của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thu gom rác mỗi ngày trên vịnh. Ảnh: Anh Vũ

Về giải pháp, ông Cường cho biết hiện tỉnh Quảng Ninh đang triển khai đồng bộ chín giải pháp để bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long.

Đó là thực hiện thu gom, quản lý rác thải, nước thải sinh hoạt; kiểm soát công tác bảo vệ môi trường của các phương tiện thuỷ. Công tác giám sát bảo tồn di sản, giám sát môi trường vịnh Hạ Long cũng được đẩy mạnh. Công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú…

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết sẽ tập trung vào một số nội dung, như hoàn thành lập nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ phục hồi danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Hải Phòng xây dựng cơ chế chính sách quản lý Di sản liên tỉnh vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận hồi tháng 9-2023. Theo đó sẽ tập trung vào nội dung quản lý các hoạt động du lịch, bảo vệ môi trường, kiểm soát, thu gom và xử lý các nguồn thải phát sinh.

Tỉnh Quảng Ninh đưa ra nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long. Ảnh: Anh Vũ

Tỉnh Quảng Ninh đưa ra nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long. Ảnh: Anh Vũ

Về giải pháp tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát chất thải tại các khu vực trên và ven bờ vịnh Hạ Long, chính quyền Quảng Ninh sẽ triển khai dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hạ Long với mục tiêu 100% nước thải sinh hoạt thành phố Hạ Long được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm xử lý nước thải tại các địa phương khác ở ven bờ vịnh.

Tỉnh cũng sẽ thu hút đầu tư nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án bảo vệ môi trường, đặc biệt là chương trình giảm thiểu chất thải nhựa, thu gom, xử lý rác thải, nước thải khu vực vịnh Hạ Long, tăng cường triển khai các chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường…

Từ Tết Nguyên đán 2024 đến nay, mỗi ngày, cơ quan quản lý vịnh Hạ Long huy động khoảng 20 phương tiện, 40 - 50 nhân lực thu gom rác thải. Tổng lượng rác thải thu gom từ đầu năm đến nay khoảng trên 75 tấn và trên 2.000 m3 phao xốp, bè tre các loại.

Cá heo xuất hiện khoảng tầm 10 phút ở khu vực gần hang Luồn, vịnh Hạ Long rồi lặn xa dần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGỌC SƠN ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN