Ra khơi cận tết rồi đi mãi, chỉ để lại lệ biển!
Cuối năm 2013, ngư dân đi biển tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đã phải hứng chịu 2 cú sốc lớn: Hai chuyến tàu ra đi không trở về. Rất ít người sống sót, còn lại đã nằm lại nơi biển cả. Ngày Tết đã cận kề, thế nhưng không khí nơi đây lại ảm đạm, thê lương.
Bao đời nay, đại dương đã cưu mang những người con làng biển. Thế nhưng, chính biển cả lại “cướp” đi sinh mạng của nhiều ngư dân để lại bao nỗi mất mát cho người ở lại.
Ngày giỗ chung của làng
Biển Quỳnh, những ngày cuối năm, từng cơn gió lạnh giữa đông thốc vào những ngôi làng ven bờ. Từ bao đời nay, người dân ven biển huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) lớn lên và bám biển. Biển rộng giang tay cưu mang bao phận đời. Thế nhưng, mỗi năm, không ít người trong số họ lại ra đi mãi không về, để lại những “hòn vọng phu” vò võ trông chờ trong tuyệt vọng.
Ông Nguyễn Văn Xuân - Xóm trưởng xóm Thành Công, xã Quỳnh Long thống kê số người thiệt mạng do đi biển trong xóm.
Cuối năm 2013, 2 vụ đắm tàu tại huyện Quỳnh Lưu đã “cướp” đi 16 sinh mạng vốn là những ngư dân chất phác hiền lành.
Ngày 20/11/2013, 10 ngư dân trên tàu đánh cá mang số hiệu NA 90249 TS rời cảng Lạch Quèn ra khơi. Sau 2 chuyến đi không đủ vốn, lần thứ 3 ra khơi, con tàu cùng 10 ngư dân hứa hẹn cá bạc đầy khoang để kiếm tiền sắm sửa cho một cái tết đầm ấm. Sau nhiều ngày vượt biển, dò tìm luồng cá, tàu buông lưới cách bờ biển Cửa Hội khoảng 80 hải lý.
8 ngày sau, tàu bị cơn gió mùa giật mạnh. Chưa kịp thu lưới thì tàu bị sóng đánh gãy một sào lưới phía trước khiến tàu bị nghiêng, nước tràn vào khoang. Các thuyền viên đã cố gắng cứu vãn nhưng không thể. Không đầy 1 giờ đồng hồ, tàu bị nước nhấn chìm. 10 ngư dân trên tàu sau nhiều giờ chống chọi với cái lạnh, cái đói, nỗi sợ hãi đã phải buông tay, chìm dần vào lòng biển. Chỉ có 2 người là anh Hồ Vĩnh Lai và Vũ Viết Hà sống sót trở về như một phép màu.
Đau thương nối tiếp đau thương, trong khi sự việc này chưa kịp nguôi ngoai thì một lần nữa ngư dân biển Quỳnh lại phải hứng chịu một cảnh tang tóc khác. Ngày 9/12/2013, tàu cá mang số hiệu NA 93240 TS do thuyền trưởng Bùi Hoàng Hiệp (SN 1984) trú tại xóm Minh Thành, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu điều khiển đang trên đường trở về thì gặp nạn. 8 thuyền viên trên tàu phần lớn là anh em, họ hàng hoặc là cùng xóm với nhau đã ra đi mãi mãi. Thi thể 2 ngư dân đã tìm thấy, những người còn lại đều phải nằm lại nơi lòng biển lạnh. Tiếng khóc ai oán, khăn tang phủ trắng cả làng chài ven biển Quỳnh. Ra đi với bao hứa hẹn thế nhưng ngày về lại là ngày giỗ chung.
Trong kí ức của nhiều người, năm nào cũng vậy làng biển nơi đây đều phải “cống nạp” cho biển cả ít thì vài mạng, có năm đến hàng chục con người.
Một nhà 3 người ra đi
Mỗi chuyến tàu vươn khơi thường là do anh em thân thích cùng góp vốn với nhau. Và khi gặp nạn thì có khi một nhà có cả mấy người thiệt mạng.
Ông Vũ Quang Trung và bà Nguyễn Thị Xứ (bố mẹ nạn nhân Vũ Văn Biên) nức nở kể về cái của 3 người thân trên chuyến tàu NA 93240 TS.
Trong căn nhà tồi tàn đã cũ nát, vợ chồng ông Vũ Quang Trung (61 tuổi, xóm Minh Thành, xã Quỳnh Long) ngồi thất thần bên bàn thờ con trai. Hôm phóng viên đến nhà, chỉ đúng còn 4 ngày nữa là đủ 49 ngày tang của con trai họ - anh Vũ Văn Biên bị tử nạn trong vụ chìm tàu ngày 9/12/2013. Trong số 8 người xấu số hôm ấy, đã có 3 người là thân nhân của ông Trung. Đó là con trai Vũ Văn Biên, thông gia Bùi Văn Xào (SN 1957) và em rể Trần Xuân Viên (SN 1970).
Gia đình ông Trung được xem là khó khăn nhất trong các gia đình có ngư dân tử nạn. Sau khi đi bộ đội về, ông bám biển nuôi gia đình. Không có điều kiện mua sắm tàu lớn, ông chỉ dùng thuyển nhỏ của gia đình đánh bắt bên bờ đi trong buổi rồi về. Có hôm trúng, vợ ông lại hí hửng đem cá đi bán. Nhưng có hôm chỉ đủ cho gia đình dùng. Vợ ông, bà Trần Thị Xứ (59 tuổi) gần một năm nay nằm Bệnh viện K (Hà Nội) để chữa u hàm ếch. Bệnh này chưa khỏi, đã lại trồi ra bệnh khác. Từ tháng 4/2013, bà Xứ lại phải đi Bệnh viện Mắt Hà Nội điều trị mắt trái. Bao tiền của trong nhà đội nón ra đi nhưng mắt bà lại càng nặng thêm.
Con trai út của ông bà, Anh Vũ Văn Biên sau khi vợ sinh được hơn 1 tháng cũng vay mượn khắp nơi để góp vốn làm ăn vươn khơi dài ngày. Thế nhưng, tàu vừa ra khơi được một chuyến thì gặp nạn, sau 28 tiếng lênh đênh trên biển, anh thoát nạn nhờ được một ngư dân người Quảng Trị cứu vớt.
Còn nước còn tát, anh tiếp tục góp vốn để đóng tàu NA 93240 TS do anh Bùi Hoàng Hiệp (SN 1984) làm thuyền trưởng. Sau 2 chuyến ra khơi bị thua lỗ do sản phẩm không bù được vào tiền dầu máy. Đến lần thứ 3 này, với hứa hẹn một chuyến ra khơi thu đậm để sắm tết thì tàu gặp nạn. 8 người chết và mất tích. Thi thể của anh Biên và anh Bùi Văn Hoài sau nhiều ngày cũng được tìm thấy, 6 người khác hiện vẫn mất tích.
Cưới nhau chưa ấm gối, anh Biên đã ra đi để lại người vợ góa và con gái mới sinh.
Chị Bùi Thị Vân (SN 1989, vợ anh Biên) ôm đứa con gái gần 3 tháng tuổi ngồi trên võng vừa dỗ con ngủ vừa than thở: “Cưới nhau gần 1 năm, nằm chưa ấm gối thì anh ấy đã bỏ vợ con mà đi. Sau 2 lần góp vốn đóng tàu nhưng đều gặp nạn, số tiền nợ đã lên đến trên 500 triệu đồng. Chưa kịp trả nợ thì người đi đằng người, của đi đằng của. Không biết những ngày tới mẹ con tôi sẽ sống sao đây?”.
Ngồi thẫn thờ bên bàn thờ con trai, bà Xứ không nghĩ đến ngày tết dang cận kề: “Gia đình hoàn cảnh, nợ nần chồng chất, tết nhất đến nơi nhưng chưa biết kiếm tiền thế nào mà sắm tết nữa? Mà gia đình bây giờ cũng không còn tâm trạng để nghĩ đến tết. Mọi năm, cứ gần tết là anh em, con cháu lại tâp trung họp mặt sau một năm làm việc vất vả. Bây giờ, lẽ ra gia đình đã chuẩn bị đầy đủ cho cái tết sắp đến lại thay vào đó là chuẩn bị 49 ngày cho con. Nó đi rồi nhưng lại mang cả người cả nợ đi luôn".
Bà Bùi Thị Cựu (mẹ anh Bùi Văn Hoài) trông nom 2 cháu nhỏ để con dâu (chị Lý, vợ anh Hoài) đi buôn bán.
Cùng hoàn cảnh, gia đình Bà Bùi Thị Cựu (SN 1959, trú tại xóm Minh Thành, mẹ anh Bùi Văn Hoài) cũng không kém phần bi đát. Sau khi chồng bỏ mạng trên biển, chị Lý (vợ anh Hoài) chạy đôn chạy đáo để kiếm tiền nuôi gia đình, 2 đứa con nhỏ giao cho bà Cựu trông nom. Ngồi đút cơm cho 2 đứa cháu ăn, bà Cựu buồn bã cho biết: "Gia đình không còn tâm trí đâu mà tết nhất nữa chú à. Giờ đang chuẩn bị làm 49 ngày cho thằng Hoài đây".
Ông Nguyễn Văn Xuân - Xóm trưởng xóm Thành Công, xã Quỳnh Long cho biết: Xóm có 227 hộ dân với 1.080 khẩu thì có trên 50 hộ dân bám biển mưu sinh, còn lại là làm nghề muối và nghề phụ. So với trong xã thì xóm Thành Công đi biển ít hơn nhưng lại thiệt hại về người khá nhiều. Làm nghề đi biển cũng có thu nhập nếu thuận buồm xuôi gió nhưng chỉ cần thiếu chút may mắn thì ra đi mãi mãi. Riêng xóm Thành Công, từ năm 1996 đến nay đã có 11 người chết, mất tích vì đi biển. Trong đó có 6 người là anh em trai với nhau cùng đi trên tàu đều thiệt mạng.