Ra Hồ Tây, cá chép Ông Táo gặp sóng to, gió lớn
Sáng nay 1/2 (tức 23 tháng Chạp âm lịch), Hồ Tây (Hà Nội) có gió to, sóng lớn khiến việc tiễn ông Táo về trời của người dân gặp nhiều khó khăn, một số cá chép bị sóng đánh lật bụng.
Theo tục lệ cổ truyền của người Việt Nam, phải thả cá chép tiễn ông Táo về Trời trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp âm lịch để ông Táo kịp báo cáo mọi công việc dưới trân gian với Ngọc Hoàng. Sáng nay, rất đông người dân mang cá chép thả xuống Hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội). Tuy nhiên, do sóng lớn, mọi người phải loay hoay tìm chỗ thả cá.
Theo người dân, năm nay Hồ Tây có gió to và sóng lớn nên việc thả cá chép tiễn ông Táo về trời có đôi chút khó khăn. Cá chép là phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời nên phải thả làm sao cho cá không bị chết.
Một số cá chép mới thả bị sóng đánh tạt vào bậc thềm.
Sóng lớn, nhiều người phải ngồi cách mặt nước một đoạn khi phóng sinh cá chép.
Nhiều người thả tro cùng với cá chép xuống Hồ Tây.
Gió lớn khiến nhiều chú cá bị đập mình vào bờ kè.
Thả cá chép tiễn Táo quân về trời theo mong muốn cầu chúc cho một năm mới tốt lành, vạn sự như ý, mọi nhà được ấm no.
Tại bến nước Hồ Tây trên đường Thanh Niên, người người đến thả cá chép và phóng sinh ốc.
Tại bến này, mặt nước chỉ gợn sóng nên người dân thả cá khá dễ dàng.
Đều đặn 5, 6 năm nay, sư thầy Thích Tịnh Giác, trụ trì chùa Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội lại lặn lội sang Hồ Tây từ sáng sớm để thu gom rác xung quanh khu vực người dân thả cá chép. Sư thầy hướng dẫn người dân thả cá. Sau đó thầy gom túi nilon, tránh tình trạng người dân vứt tràn ra vỉa hè.
Thầy Thích Tịnh Giác giải thích cho các du khách người nước ngoài về phong tục thả cá chép tiễn ông Công ông Táo về trời của người Việt Nam vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch.
Một du khách tự tay thả cá chép xuống Hồ Tây.
Năm nay mặt nước Hồ Tây sạch bóng túi nilon.