QZ8501 tăng độ cao quá nhanh rồi chết máy
Dẫn số liệu radar, Bộ trưởng Giao thông Indonesia khẳng định, máy bay QZ8501 của hãng AirAsia đã tăng độ cao quá nhanh trước khi bị chết máy giữa không trung và đâm xuống biển Java khiến 162 người thiệt mạng.
Một mảnh vỡ máy bay được trục vớt thành công.
Bộ trưởng Giao thông Ignasius Jonan trong buổi điều trần trước Quốc hội Indonsia dẫn số liệu radar cho hay, chiếc phi cơ đã tăng độ cao với tốc độ 6.000 foot (1.828 m) một phút. Không phi cơ chở khách hay thậm chí, máy bay chiến đấu nào dám bay lên cao với tốc độ nhanh như vậy, truyền thông Indonesia trích dẫn lời ông Jonan.
"Chiếc phi cơ của hãng hàng không AirAsia trong những phút cuối đã bay nhanh hơn tốc độ bình thường… rồi sau đó bị chết máy. Tốc độ tăng độ cao trung bình của một phi cơ thương mại thường chỉ là 300 m/phút. Khi tăng gấp đôi tới 600m/phút là đã có dấu hiệu bất thường vì phi cơ thương mại không được thiết kế để tăng độ cao nhanh như vậy. Cả phi cơ chiến đấu có lẽ cũng không tăng độ cao với tốc độ 1828m/phút", Jakarta Post dẫn lời ông Jonan nói tại Quốc hội.
Trước đó, hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin gần gũi với cuộc điều tra thảm kịch QZ8501 cho hay tháng trước cho hay, các dữ liệu radar dường như cho thấy chiếc máy bay QZ8501 đã tăng độ cao đột ngột "một cách không thể tin được" trước khi bị rớt, có thể là đã vượt qua mức mà chiếc phi cơ có thể chịu được. Đây là lần đầu quan chức cấp cao Indonesia thừa nhận vịec này.
Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia (NTSC) là cơ quan đang chịu trách nhiệm điều tra thảm kịch QZ8501 đâm xuống biển Java hôm 28.12.2014 khiến toàn bộ 162 người trên máy bay thiệt mạng hôm qua cho hay, họ đang tập trung điều tra thảm kịch QZ8501 theo 2 hướng: Sai phạm của con người và bản thân chiếc máy bay gặp trục trặc sau khi loại trừ yếu tố khủng bố.
Báo cáo điều tra sơ bộ dự kíển được công bố vào ngày 28.1 tới. Trước đó, Cơ quan khí tượng của Indonesia đã công bố báo cáo kết luận, thời tiết xấu có thể đã gây ra vụ tai nạn.
Máy bay QZ8501 đâm xuống biển Java vào ngày 28.12.2014 khiến 162 người trên khoang tử nạn khi đang trên đường từ Surabaya, Indonesia tới Singapore với chặng bay kéo dài khoảng 2 giờ.
Hiện các hoạt động cứu hộ vẫn đang tiếp tục diễn ra trên biển Java, tuy nhiên, các thợ lặn vẫn chưa thể tiếp cận được với thân chiếc máy bay dù họ đã xác định được vị trí của nó. Những con sóng lớn cao tới 5 mét và dòng hải lưu chảy xiết đã khiến các thợ lặn hoàn toàn bất lực trong việc tới gần thân máy bay, được cho là còn chứa nhiều thi thể nạn nhân bị mắc kẹt.
Cho đến nay, lực lượng cứu hộ mới chỉ trục vớt được 53 thi thể nạn nhân trôi nổi ở gần khu vực máy bay rơi.
Thảm kịch QZ8501 xảy ra vào những ngày cuối năm 2014 - được cho là năm khủng hoảng của ngành hàng không thế giới khi các vụ tai nạn máy bay thảm khốc liên tiếp xảy ra.
Đặc biệt là hãng hàng không Malaysia Airlines đã bị mất hai máy bay trong năm này. Chuyến bay MH370 của hãng này đi mất tích cùng với 239 hành khách và phi hành đoàn ngày 8.3 khi đang thực hiện hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh.
Gần 4 tháng sau, ngày 8.3 chuyến bay MH17 của hãng này bị rơi xuống khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine - vùng đang xảy ra chiến sự ác liệt - cướp đi mạng sống của 298 người trên máy bay.