QZ8501: Điều tra viên loại trừ khả năng khủng bố

Đoạn ghi âm hội thoại cuối cùng trong buồng lái chiếc máy bay QZ8501 cho thấy không có bất cứ tiếng súng hay lời đe dọa nào được đưa ra đối với các phi công.

Ngày 20/1, các điều tra viên trong quá trình phân tích các dữ liệu thu được từ hộp đen chiếc máy bay xấu số QZ8501 của hãng hàng không AirAsia tuyên bố rằng cho đến nay họ không tìm thấy bất cứ dấu hiệu nào chứng tỏ đã xảy ra một vụ tấn công khủng bố hay phi công tự sát trong thảm kịch này.

Ông Mardjono Siswosuwarno, đội trưởng đội điều tra thảm họa QZ8501 tuyên bố: “Cho đến nay, không có bất kỳ dấu hiệu nào của hoạt động khủng bố”.

Ông Siswosuwarno cho hay đội điều tra đã nghe toàn bộ đoạn hội thoại cuối cùng trong buồng lái trước khi chiếc máy bay gặp nạn, và họ không nhận thấy bất cứ tiếng súng hay lời đe dọa nào. Hộp đen ghi âm buồng lái và hộp đen chứa dữ liệu chuyến bay được phát hiện dưới đáy biển Java vào tuần trước.

Ông Nurcahyo Utomo, một điều tra viên đến từ Ủy ban An toàn Giao thông Indonesia cho biết họ cũng không nghe thấy bất cứ âm thanh nào trong đoạn ghi âm chứng tỏ phi công đã cố tình đâm máy bay xuống biển để tự sát.

QZ8501: Điều tra viên loại trừ khả năng khủng bố - 1
Các điều tra viên đã loại trừ nguyên nhân khủng bố trong thảm họa QZ8501

Mặc dù không thể tiết lộ chính xác những gì các phi công đã nói trong đoạn ghi âm, nhưng ông Utomo cho rằng những lời trao đổi của họ cho thấy “về cơ bản, họ đang điều khiển chiếc máy bay”.

Tuy nhiên, quan chức này cũng thừa nhận rằng hiện tại họ mới chỉ ghi lại được một nửa đoạn hội thoại buồng lái vì có quá nhiều tiếng động trong đoạn ghi âm, và việc “bóc băng” này dự kiến sẽ được hoàn thành trong vòng một tuần.

Chuyến bay QZ8501 đâm xuống biển Java vào ngày 28/12 cùng với 162 người trên khoang khi đang trên đường từ Surabaya, Indonesia tới Singapore với chặng bay kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ.

Mặc dù vậy, các chuyên gia hàng không quốc tế cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để có thể loại trừ bất cứ nguyên nhân nào gây ra thảm họa, và cũng chưa phải là lúc để đưa ra những kết luận cuối cùng.

Hiện các chuyên gia đang nghiêng về giả thuyết cho rằng chiếc máy bay đã bị “khựng” trong quá trình tăng độ cao đột ngột khiến nó mất kiểm soát và đâm xuống biển, và nguyên nhân gây ra sự cố này nhiều khả năng là do vấn đề bảo trì bảo dưỡng.

QZ8501: Điều tra viên loại trừ khả năng khủng bố - 2Thợ lặn Indonesia tham gia tìm kiếm chiếc máy bay gặp nạn

Theo đó, chiếc máy bay QZ8501 rất có thể đã vọt lên cao để tránh một vùng thời tiết xấu, tuy nhiên các sự cố kỹ thuật mà máy bay gặp phải trong thời tiết lạnh giá ở độ cao trên 10.000 mét đã khiến nó rơi vào “góc quan tài”, nơi vận tốc của nó không đủ để tạo sức nâng, khiến máy bay xoay tròn và lao xuống biển.

Máy bay thường bị xoay tròn và lao xuống khi bị khựng lại giữa trời vì vận tốc bay quá thấp hoặc mũi máy bay chúc lên quá nhanh trong quá trình tăng tốc. Sau khi bị khựng, cánh máy bay sẽ hoàn toàn mất hết sức nâng, khiến nó không thể tiếp tục bay trên bầu trời.

Dựa trên kinh nghiệm từ các vụ tai nạn hàng không trước đây, các chuyên gia cho rằng việc máy bay bị khựng hoặc xoay tròn là hậu quả của một loạt các sự cố, chẳng hạn như thời tiết xấu, lỗi xử lý của phi công, sai sót của kiểm soát viên không lưu, và những trục trặc trong hệ thống cảm biến vận tốc hoặc điều khiển của máy bay.

QZ8501: Điều tra viên loại trừ khả năng khủng bố - 3
Hình ảnh xác chiếc máy bay vẫn còn khá nguyên vẹn dưới đáy biển

Hiện các hoạt động cứu hộ vẫn đang tiếp tục diễn ra trên biển Java, tuy nhiên các thợ lặn vẫn chưa thể tiếp cận được với xác của chiếc máy bay QZ8501 dù họ đã xác định được vị trí của nó. Những con sóng lớn cao tới 5 mét và dòng hải lưu chảy xiết đã khiến các thợ lặn hoàn toàn bất lực trong việc tới gần xác máy bay.

Cho đến nay, lực lượng cứu hộ mới chỉ vớt được 53 thi thể nạn nhân trôi nổi ở gần khu vực máy bay rơi. Họ nhận định rằng nhiều thi thể hành khách hiện vẫn đang mắc kẹt trong thân chiếc máy bay vẫn còn khá nguyên vẹn dưới đáy biển.

Lực lượng cứu hộ Indonesia đã chuẩn bị nhiều bong bóng khí khổng lồ để nhấc xác máy bay ra khỏi đáy biển, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng sau 23 ngày nằm lại dưới biển, xác chiếc máy bay đã bị bùn đất vùi lấp phần lớn, nên công tác trục vớt này sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Máy bay AirAsia của Malaysia gặp nạn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN