Quyết không bán để bảo vệ hơn 40 tổ ong rừng trong vườn nhà
Một cây gạo trong vườn nhà dân mỗi năm có hơn 40 tổ một ong rừng "khủng" treo trên các cành cây và dù được trả giá 20 triệu đồng, hộ dân này quyết không bán, để ong phát triển.
Cho đến sáng 7-10, đã có hàng chục đàn ong rừng bay về đóng tổ làm mật trên các cành của một cây gạo ở vườn nhà gia đình bà Nguyễn Thị Hoàn (ở xóm 4, xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An). Các tổ ong mật đang mỗi ngày mỗi lớn và các cành cây đang thêm nhiều tổ ong khác.
Cây gạo của gia đình bà Hoàn đã có hàng chục tổ ong rừng đóng mật.
Nhiều người dân hiếu kỳ kéo đến xem điều kỳ thú tại cây gạo trên, giới buôn mật ong rừng cũng đến “gạ” bà Hoàn mua các tổ ong lấy mật, lấy sáp ong, lấy sữa ong chúa. Cũng như các năm trước, năm nay bà Hoàn nhất quyết từ chối bán các tổ ong trên.
Bà Hoàn nói: “Liên tiếp khoảng 4-5 năm nay, đến mùa ong làm tổ thì có hàng chục ngàn con ong rừng không biết từ đâu bay đến cây gạo của nhà tôi làm tổ, đóng mật. Dù mỗi năm có cả phi mật ong treo trên cây nhưng chúng tôi chưa năm nào lấy mật, sữa ong chúa. Năm trước, trên cây gạo này có hơn 45 tổ ong, dân buôn đến trả 20 triệu đồng nhưng tôi từ chối không bán. Năm nay đã có khoảng 15 tổ ong treo trên các cành cây gạo và các tổ đang ngày càng lớn, lượng tổ ong đang ngày càng nhiều. Có những tổ ong có chiều dài khoảng 1,5 m rộng khoảng 70 cm.
Tôi đi mua mật ong gửi vào TP.HCM cho con cháu dùng với giá 250.000 đồng/chai nhỏ, người dân ở đây họ nói tôi “sao không lấy mật xịn trên cây lại đi mua”. Các con của tôi cũng đồng tình bảo vệ các đàn ong và bảo mẹ để ong rừng phát triển, không bán, không phá tổ ong lấy mật”.
Hiện mỗi ngày có thêm các đàn ong rừng kéo về cây gạo của nhà bà Hoàn đóng tổ, sinh sản ong non.
Tại một công trình nhà máy thủy điện đang xây dựng ở miền núi Nghệ An, 11 đàn ong mật cùng làm tổ hai tháng qua.