Người lao động có được trả lương nếu phải nghỉ làm do dịch virus Corona?
Trường hợp có dịch bệnh, người lao động và người sử dụng lao động được hưởng một số quyền lợi theo quy định của Bộ luật Lao động.
Người lao động được hưởng nhiều quyền lợi nếu ngừng việc, nghỉ làm trong khi có dịch bệnh. Ảnh minh họa.
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Tính đến sáng 8/2, số người nhiễm virus Corona trên thế giới là 34.878 trường hợp, 724 người tử vong (tăng 85 người so với ngày 7/2). Trong đó Trung Quốc 722 người tử vong, Philippines 1 trường hợp tử vong; Hồng Kông 1 trường hợp tử vong.
Tại Việt Nam ghi nhận 13 người nhiễm virus Corona. Trong đó: 2 cha con người Trung Quốc (01 người đã khỏi và xuất viện); 6 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc (01 người đã khỏi và xuất viện); 1 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc (đã khỏi và xuất viện); 1 công dân Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán, Trung Quốc; 1 người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với nCoV trước đó; 2 trường hợp ở Vĩnh Phúc (1 người là mẹ, 1 người là em ruột của bệnh nhân dương tính với nCoV trước đó).
Hàng triệu học sinh, sinh viên trên cả nước đã được cho nghỉ học để đảm bảo an toàn. Kéo theo đó, nhiều người lao động cũng lo ngại việc đi làm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy người lao động sẽ được hưởng những quyền lợi gì trong trường hợp có dịch bệnh?
Bộ luật Lao động 2012 đề cập, trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, người sử dụng lao động có quyền tạm chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động.
Lúc này, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, khoản 3 Điều 31 Bộ luật Lao động 2012 nêu rõ: Người lao động được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc.
Đồng thời, tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP như sau: Vùng I: Mức 4.420.000 đồng/tháng; Vùng II: Mức 3.920.000 đồng/tháng; Vùng III: Mức 3.430.000 đồng/tháng; Vùng IV: Mức 3.070.000 đồng/tháng.
Đặc biệt, người lao động vẫn được trả lương nếu ngừng việc, nghỉ làm quy định tại Khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động 2012. Khi có dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ… thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 130 Bộ luật Lao động 2012 cũng quy định, người lao động gây thiệt hại không phải bồi thường trong trường hợp như xảy ra do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa… không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Quy định là vậy nhưng người lao động cũng không nên lợi dụng tình hình dịch bệnh làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động để tránh ảnh hưởng tới công việc của mình và những người xung quanh.
Còn đối với người sử dụng lao động, như đã đề cập ở trên, khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh… người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, chỉ được chuyển người lao động sang làm công việc khác không quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm. Trường hợp đã đủ 60 ngày, nếu tiếp tục phải chuyển người lao động làm công việc khác thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người lao động.
Trước khi chuyển người lao động làm công việc khác, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động.
Bên cạnh đó, người sử dụng lao động có quyền được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo điểm c khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động hiện hành vì lý do bất khả kháng, trong đó có dịch bệnh. Tuy nhiên, phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn; 3 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Nguồn: [Link nguồn]
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vừa đồng ý với tờ trình của Sở GD&ĐT Hà Nội về việc cho học sinh tiếp tục nghỉ...