Quy trình cấp phép bay thế nào sau vụ phát hiện nhiều phi công Pakistan dùng bằng lái giả?

Sự kiện: Thời sự

Thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, hiện có hơn 1.200 phi công nước ngoài được Cục này cấp giấy phép và năng định bay, trong đó có 27 phi công người Pakistan bay cho các hãng hàng không Việt Nam.

Ngày 24/6, trong cuộc họp tại Quốc hội Pakistan báo cáo kết quả điều tra vụ rơi máy bay của hãng Hàng không Quốc tế Pakistan (PIA) hôm 22/5, Bộ trưởng Hàng không nước này Ghulam Sarwar Khan xác nhận thông tin khoảng 260 người trong tổng số 860 phi công của các hãng hàng không Pakistan (chiếm khoảng 1/3) đã dùng tiền thuê người thi hộ trong các cuộc thi sát hạch để cấp bằng lái máy bay.

Để đảm bảo tuyệt đối an toàn hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo các hãng hàng không Việt Nam tiến hành rà soát, đánh giá lực lượng phi công người nước ngoài đang làm việc cho các hãng hàng không Việt Nam.

Kết quả rà soát, tổng số người lái nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 1.223 người, trong đó: Hãng hàng không quốc gia Việt Nam có 309 người lái (chiếm 25,7% trên tổng số 1.203 người lái); Hãng hàng không Jetstar Pacific có 145 (chiếm 70,3% tổng số 206 người lái); Hãng hàng không Vietjet có 622 (chiếm 75,6% trên tổng số 823 người lái) và Hãng hàng không Tre Việt có 147 người lái (chiếm 58,6% trên tổng số 251 người lái).

Trong số phi công nước ngoài, tổng có 27 người lái là người Pakistan được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép và năng định cho các hãng hàng không của Việt Nam. Bao gồm Vietnam Airlines: 6 trường hợp, Vietjet Air: 17 trường hợp, Jetstar Pacific: 4 trường hợp. 

Hiện có 1.223 phi công nước ngoài bay cho các hãng hàng không của Việt Nam. Ảnh: T.L

Hiện có 1.223 phi công nước ngoài bay cho các hãng hàng không của Việt Nam. Ảnh: T.L

Trong 27 trường hợp này có 12 trường hợp đang bay khai thác cho các hãng hàng không Việt Nam (11 người của hãng Vietjet; 1 người của hãng Jetstar Pacific) và 15 trường hợp còn lại đã hết hạn hợp đồng hoặc do dịch bệnh đã về nước. Hiện Cục Hàng không Việt Nam đang liên hệ với nhà chức trách nước cấp bằng gốc cho các phi công này để làm rõ hồ sơ, chứng chỉ. Sau khi có thông tin chính thức từ phía nhà chức trách Pakistan, Cục Hàng không Việt Nam sẽ quyết định cho bay trở lại hay không đối với các phi công này.

Về quy trình cấp phép và năng định cho phi công nước ngoài, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, được tuân thủ theo Bộ quy chế An toàn hàng không Việt Nam, các tài liệu hướng dẫn thực hiện và sổ tay hướng dẫn cấp phép cho nhân viên hàng không.

Quá trình kiểm tra hồ sơ và tổ chức kiểm tra, cấp giấy phép và năng định cho người lái nước ngoài được thực hiện theo đúng Quy chế An toàn hàng không Việt Nam và quy định tại Phụ ước 1- Công ước Chicago về hàng không dân dụng quốc tế.

Cụ thể, khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép cho người lái nước ngoài, Cục Hàng không Việt Nam kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bao gồm kiểm tra thông tin tại các mẫu đơn đề nghị, kiểm tra các điều kiện về tuổi, sức khỏe, bằng cấp, tổng số giờ bay khai thác, số giờ bay trên loại, kinh nghiệm của người đề nghị cấp phép.

Trong quá trình khai thác bay tại các hãng hàng không Việt Nam không có trường hợp người lái Pakistan nào liên quan đến vấn đề sự cố hay uy hiếp an toàn bay. Ảnh: T.L

Trong quá trình khai thác bay tại các hãng hàng không Việt Nam không có trường hợp người lái Pakistan nào liên quan đến vấn đề sự cố hay uy hiếp an toàn bay. Ảnh: T.L

Sau đó, liên hệ với nhà chức trách cấp giấy phép gốc của phi công nước ngoài để đảm bảo rằng giấy phép do phi công nước ngoài đề nghị công nhận đã được cấp bởi quốc gia thành viên ICAO và tuân thủ quy định tối thiểu về cấp giấy phép cho nhân viên hàng không theo Annex 1.

"Tất cả các giấy phép của phi công nước ngoài bay khai thác tại Việt Nam đều được Cục Hàng không Việt Nam cấp trên cơ sở chuyển đổi từ giấy phép nước ngoài do quốc gia thành viên khác của ICAO cấp trên cơ sở căn cứ vào kết quả sát hạch lý thuyết tại Cục Hàng không Việt Nam và thực hành trên buồng lái mô phỏng được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn" - Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh.

Sau khi có được thông tin đầy đủ về tình trạng giấy phép đề nghị chuyển đổi từ phi công nước ngoài đảm bảo không vi phạm qui định hiện hành, Cục Hàng không Việt Nam thực hiện sát hạch lý thuyết cho người lái.

Những người lái đạt kết quả sát hạch lý thuyết sẽ được tham gia sát hạch thực hành trên buồng lái mô phỏng được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn do giáo viên kiểm tra bay được Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ủy quyền kiểm tra về kỹ năng bay.

Khi hoàn thiện các bước nói trên, phi công nước ngoài sẽ được Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ra quyết định cấp giấy phép và năng định để được phép bay khai thác cho các nhà khai thác tại Việt Nam trên các máy bay đăng ký tại Việt Nam.

Theo tìm hiểu, giấy phép của phi công cũng như các nhân viên hàng không có thời hạn hiệu lực tối đa 5 năm và có thể được cấp lại. Giấy phép chỉ có giá trị sử dụng trong trường hợp năng định và chứng nhận đủ điều kiện về sức khoẻ còn hiệu lực.

Thời hạn hiệu lực của năng định đối với phi công là 12 tháng.

Nguồn: [Link nguồn]

Sử dụng phi công Pakistan, vì sao Cục nói có, hãng bảo không?

Hôm nay (28/6), các hãng hàng không đều bất ngờ phủ nhận thông tin có phi công Pakistan đang bay cho hãng mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Tuân ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN