Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng: Sẽ phát triển đô thị hai bên bờ các dòng sông lớn
Chính phủ yêu cầu các tỉnh thành trong vùng đồng bằng sông Hồng phải chú trọng phát triển các đô thị hai bên bờ sông Hồng và các sông lớn, hoàn thiện mạng lưới giao thông hiện đại…
Cầu Vĩnh Tuy, Hà Nội
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1131/QĐ-TTg ngày 9/10/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, Kế hoạch đặt ra mục tiêu về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dứt điểm một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia có tính liên kết vùng, các dự án giao thông đô thị, các tuyến vành đai, các trục hướng tâm, hệ thống giao thông tĩnh...
Hình thành các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung, khu thương mại tự do... nhằm tạo đột phá trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của vùng.
Kế hoạch của Chính phủ cũng nhấn mạnh việc đưa vùng đồng bằng sông Hồng đi đầu trong phát triển giáo dục - đào tạo khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, hình thành và phát triển đồng bộ hệ thống giáo dục - đào tạo từ mầm non đến đại học theo hướng hiện đại, hội nhập, hiệu quả, công bằng, minh bạch. Xây dựng vùng đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng cao của quốc gia, khu vực và quốc tế.
Đẩy mạnh liên kết giữa các lĩnh vực văn hóa. Hình thành liên kết vùng kết nối các công trình di sản văn hóa, tâm linh dọc sông Hồng theo trục Thăng Long - Phố Hiến - Tam Chúc - Bái Đính - Chùa Hương, gắn với hạ tầng giao thông kết nối vùng Hà Nội - Hưng Yên - Hà Nam - Ninh Bình.
Đặc biệt, Kế hoạch cũng nhấn mạnh đến việc chú trọng phát triển các đô thị hai bên bờ sông Hồng. Trong đó, tập trung phát triển hệ thống đô thị trong vùng hiện đại, thông minh, bền vững để vùng đồng bằng sông Hồng trở thành vùng đô thị lớn, có tỷ lệ đô thị hóa cao và chất lượng sống tốt. Lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch đô thị (theo mô hình TOD).
Cùng đó, chú trọng phát triển các đô thị hai bên bờ sông Hồng và các sông lớn trong vùng, đáp ứng yêu cầu thoát lũ, phòng, chống thiên tai, khai thác, sử dụng hiệu quả không gian, quỹ đất. Phát triển các trung tâm hành chính tỉnh, thành phố để tăng cường liên kết, hình thành các chuỗi đô thị, đẩy mạnh đô thị hóa.
Ngoài ra, Kế hoạch cũng đề cập đến việc thực hiện đồng bộ các chính sách, đầu tư các công trình hạ tầng đô thị giảm tải ùn tắc, chống ngập cho các đô thị lớn (nhất là các thành phố Hà Nội, Hải Phòng), thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh; tiếp tục thực hiện di dời trường đại học, bệnh viện ra khỏi trung tâm Thủ đô Hà Nội...
Thành phố tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, xây dựng để đến năm 2045 hình thành thành phố phía Bắc với hạt nhân chính là quận Đông Anh; phát triển đô thị tại Hòa Lạc, Xuân Mai tiến tới hình thành thành phố phía Tây và phát triển đô thị tại khu vực Phú Xuyên, Thường Tín để hình thành thành phố phía Nam.
Nguồn: [Link nguồn]