Quy hoạch treo, “treo” cả cuộc sống người dân: Sống mòn trong quy hoạch treo
Cứ mỗi trận mưa lớn thì nơm nớp lo sợ ngập nổi giường tủ, mùa hè thì phải sống cảnh ngột ngạt trong những căn nhà cũ nát, xuống cấp, ọp ẹp. Còn rất nhiều bi kịch khác nữa mà không ít người dân đang phải gánh chịu khi căn nhà mình ở vướng vào các quy hoạch treo. Chỉ cách nhau một bức tường ngăn, nhưng bên kia là cuộc sống đô thị tấp nập, bên này hàng chục năm qua họ vẫn đang phải sống trong cảnh nhà cửa tạm bợ không khác gì những khu ổ chuột. Đời bố mẹ khổ, đến đời con bây giờ vẫn khổ và không biết bao giờ... hết khổ.
Một đợt mưa, 8 lần nhà ngập ngang người
Nói về cuộc sống khốn khổ khi vướng phải quy hoạch treo, có lẽ không ai cảm nhận rõ hơn gia đình bà Lương Thị Phú (xóm Gò Lẽ, thôn Phú Mỹ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Căn nhà mái bằng cũ khoảng 40m2 được xây từ những năm 1990 đang là chỗ ở của 9 người gồm cả con và cháu trong nhà. Do mảnh đất 230m2 của gia đình bà vướng vào quy hoạch đoạn đường nối đường Lê Đức Thọ và Phạm Hùng, chật chội, nhà bà phải cải tạo thêm một số gian phòng cấp 4, lợp mái fibroximang để ở.
Thế nhưng, vấn đề là do nền đất thấp dẫn đến việc cứ mưa là ngập, nước tràn từ ngoài vào sân, vào nhà. Có những trận mưa lớn, nước ngập lên đến ngang hông. “Vì nằm trong quy hoạch nên không được sửa chữa, xây mới nên khổ lắm cô chú ạ. Đợt mưa vừa qua, chỉ có mấy ngày mà nhà tôi đến 8 lần bị ngập. Nước cống rãnh, rác thải hôi thối tràn vào ngập ngụa. Lúc nào cũng nơm nớp sợ mưa, cứ thấy dự báo có mưa là vợ chồng tôi lại phải ở nhà túc trực. Ở giữa Thủ đô mà sống còn khổ trong những khu ổ chuột, khổ hơn trên rừng”, bà Phú chia sẻ.
Để chứng minh lời mình nói, bà Phú dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà. Trong nhà, những vật dụng như giường, tủ đều được vợ chồng bà kê cao trên gạch chừng 1m để không bị ngập nước. Dấu vết tường bị ngâm nước xung quanh nhà vẫn y nguyên, cao ngang bụng bà Phú. Quy hoạch treo hơn 20 năm nay, mong mỏi của bà Phú chỉ là dự án sớm được triển khai, người dân như gia đình bà mới có thể an cư.
Cứ mỗi trận mưa, nhà bà Lương Thị Phú lại bị ngập nước ngang người.
Xóm Gò Lẽ có 127 hộ dân nằm trong quy hoạch đoạn đường này. Dù chỉ còn 1,12km nhưng nhiều năm nay dự án cứ bất động khiến đời sống của người dân vô cùng khổ sở. Bà Vũ Thị Lương, người đã đại diện cho các hộ dân ở đây làm đơn kiến nghị các cấp chính quyền nhiều năm qua cho hay, chính quyền quận Nam Từ Liêm cũng đã nhiều lần họp với dân nhưng rồi mọi chuyện vẫn không tiến triển, khiến cuộc sống của người dân khổ cực, đi không được mà ở cũng không xong.
Theo bà Lương, quy hoạch được duyệt từ năm 2000, cũng có treo bản đồ quy hoạch nhưng đến tận năm 2018 người dân mới được thông báo về thu hồi đất cho dự án. Ở khu này, “đặc sản” là ngập, nhiều gia đình phải xây tường ngăn cao 50 – 60cm ở cửa để chống nước tràn vào nhà.
“Năm ngoái, mẹ chồng tôi mất đúng đợt mưa to, nước ngập vào sân cao đến gần 1m. Cả khách đến viếng lẫn người nhà cùng phải đứng chen lấn nhau trên hiên nhà. Khổ vô cùng tận. Không những vậy, dù chúng tôi ở đây từ những năm 1976, có hộ khẩu cư trú đàng hoàng nhưng vì khu vực này vướng vào quy hoạch nên gần như không được quan tâm. Con đường của xóm trước là đường đất người dân cũng phải tự đóng góp vào để làm đường bê tông, hệ thống cột điện chúng tôi cũng vừa tự phải làm lại. Dân xóm này 98% là dân thuần nông, trước đây làm nông nghiệp nhưng giờ ruộng đất canh tác cũng đã bị thu hồi nhường đất xây dựng khu Liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình, mở đường, xây dựng các khu đô thị, không còn sinh kế nên cuộc sống rất khó khăn. 23 năm qua, vướng quy hoạch nên nhà cửa không được xây dựng, sửa chữa. Chỗ ở xuống cấp, mất an toàn, mất vệ sinh. Cư dân chúng tôi chỉ mong các cấp chính quyền, ban ngành quan tâm hơn một chút, có lẽ chúng tôi mới bớt khổ”, bà Lương than thở.
Bi hài từ chuyện quy hoạch treo
Cách xóm Gò Lẽ khoảng chừng chưa đến 2km, cũng có hơn 700 hộ dân cuộc sống cũng đang bị thiệt thòi đủ đường, mọi hoạt động bị trói buộc do vướng quy hoạch treo. 24 năm nay, nhiều người dân tổ dân phố 15 Tân Mỹ, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm cũng rơi vào cảnh đi không được mà ở cũng chẳng xong khi khu vực này vướng vào quy hoạch treo của Dự án Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình. Người dân không được cấp sổ đỏ, không được xây mới, sửa chữa nhà cửa. Nhiều ngôi nhà cấp 4, nhà tạm quây bằng tôn tạm bợ, lụp xụp và những khu đất bỏ hoang cỏ mọc um tùm. Thế nhưng vì nhà vướng quy hoạch treo mà phát sinh câu chuyện như của gia đình ông Lưu Cung Phim (nhà số 7, ngõ 5, Tân Mỹ) thì đúng là… bi hài. Căn nhà cấp 4 xập xệ, cũ nát không thể đảm bảo được cuộc sống nên gia đình ông Phim đã phải đi ra ngoài thuê nhà ở. Căn nhà cũ, vợ chồng đứa cháu họ cuộc sống còn khó khăn hơn nên ông Phim cho ở nhờ. Vậy nhưng chuyện bi hài nhà ông Phim vài năm nay lại phát sinh khi cậu con trai định lấy vợ. Nhưng không được xây dựng, sửa chữa, không có chỗ ở nên mấy năm nay con trai ông Phim vẫn chưa thể lấy được vợ do vướng… quy hoạch treo.
Sở hữu 120m2 đất nội thành nhưng chủ nhân phải đi thuê nhà ở vì không thể xây mới, sửa chữa căn nhà cũ đã quá dột nát vì nằm trong quy hoạch treo gần 20 năm qua.
“Điều kiện gia đình không dư dả, trong khi đất nhà mình tận 120m2 lại không thể tạo dựng được chỗ ở cho con dựng vợ gả chồng khiến vợ chồng tôi rất buồn. Đời chúng tôi mấy chục năm vướng quy hoạch treo đã khổ, nay đến con tôi cũng vẫn phải khổ vì quy hoạch treo, không biết đến khi nào mới hết khổ”, ông Phim thở dài ngao ngán.
Theo tìm hiểu, tổ dân phố 15 Tân Mỹ, phường Mỹ Đình 1 nằm trong Quy hoạch Chi tiết khu Liên hợp Thể thao với quy mô 247ha từ năm 1999. Trong đó khu dân cư Tân Mỹ nằm trong khu vực chức năng đất công viên cây xanh, hồ điều hòa. Thế rồi dự án sau hàng chục năm trời đã không được triển khai. Ông Nguyễn Xuân Thủy, Tổ trưởng Tổ dân phố 15 Tân Mỹ cho hay, đến nay đã là 23 năm trôi qua kể từ khi có quyết định thu hồi đất phục vụ xây dựng khu Liên hợp thể thao, người dân Tân Mỹ sống trong vùng quy hoạch nên không được đầu tư các công trình công cộng, phúc lợi xã hội, không được phép xây dựng, đầu tư nâng cấp nhà cửa. Tất cả các công trình về đường làng ngõ xóm, có đoạn đường nối giữa các ngõ xóm dài đến hơn 500m được trải bê tông rộng 3m như ngày nay cũng đều phải huy động bằng sự đóng góp tiền và công sức của nhân dân. Do không được xây dựng, nâng cấp nhà cửa trong nhiều năm nên đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn về an sinh xã hội, về an toàn cuộc sống.
Ông Thủy cho biết, liên quan đến dự án này, ngày 20/1/2017, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam với nội dung giao UBND TP Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng trong quá trình rà soát, điều chỉnh quy hoạch Khu Liên hợp; xem xét điều chỉnh phê duyệt quy hoạch theo thẩm quyền và trình tự, thủ tục quy định. Tiếp đó, ngày 16/3/2017, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội thống nhất bàn giao cho UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng cho phép điều chỉnh quy hoạch, giao lại cho UBND TP Hà Nội quản lý theo quy định. “Cư dân chúng tôi đã tổng cộng 37 lần gửi đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền, các sở ban ngành để xem xét điều chỉnh quy hoạch. Nếu không còn phù hợp thì xem xét gỡ bỏ quy hoạch cho người dân tạo lập cuộc sống. Nhiều gia đình chúng tôi sống ở đây mấy chục năm qua đã khổ từ đời bố đến đời con vì vướng cái quy hoạch treo này. Nhiều người cao niên 70 – 80 tuổi trong khu nói chuyện với tôi đều thể hiện mong muốn làm sao cho đến ngày Nhà nước gỡ bỏ quy hoạch”, ông Thủy bày tỏ.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau gần 30 năm quy hoạch, Khu đô thị Thủ Thiêm đã thay đổi diện mạo với hàng loạt công trình, dự án mới.