Quy định tuổi thành niên: Nơi 16, chỗ 18

Trẻ em là tương lai của xã hội. Ở lứa tuổi này, các em được hưởng sự quan tâm, các chính sách ưu đãi dành cho người chưa thành niên trong mọi lĩnh vực. Tuy vậy, hiện nay việc xác định trẻ trong độ tuổi nào được gọi là vị thành niên còn thiếu rõ ràng và chưa thống nhất.

Luật “vênh” Công ước

Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định độ tuổi của trẻ em là từ 16 tuổi trở xuống. Trong khi đó, Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và nhiều điều ước, thỏa thuận quốc tế khác liên quan đến trẻ em mà Việt Nam đã ký kết, tham gia lại quy định độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi.

Không chỉ có vậy, tại các văn bản pháp luật của Việt Nam, việc quy định về tuổi vị thành niên còn khá rối rắm và thiếu đồng nhất. Bộ luật Hình sự quy định, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Song tại khoản 1 Điều 115 về Tội giao cấu với trẻ em lại quy định: “Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”. Như vậy, nếu người dưới 18 tuổi giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự vì chưa phải là người… đã thành niên!

Còn theo Bộ luật Dân sự, người thành niên là người đủ 18 tuổi trở lên, song Bộ luật Lao động lại ghi rõ, người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi, có khả năng lao động và có giao kết hợp đồng lao động. Theo Luật Hôn nhân và gia đình, nam thanh niên không được kết hôn khi chưa đủ 20 tuổi. Sự thiếu thống nhất trong việc quy định độ tuổi vị thành niên không chỉ gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc đảm bảo quyền lợi của trẻ em mà còn nảy sinh những tranh chấp pháp lý phức tạp.

Quy định tuổi thành niên: Nơi 16, chỗ 18 - 1

Việc quy định tuổi vị thành niên là dưới 16 hay dưới 18 vẫn còn nhiều điều đáng bàn

Trước tình trạng trên, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) hiện đang lấy ý kiến các chuyên gia pháp luật, nhà nghiên cứu về tâm sinh lý và người dân về việc nâng hay giữ nguyên độ tuổi trẻ em khi Luật Chăm sóc, bảo vệ trẻ em được sửa đổi.

Phân tích về vấn đề này, Luật sư Phạm Công - Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, nếu nâng độ tuổi thành niên lên 18 tuổi thì số trẻ em sẽ tăng lên, những người này sẽ được hưởng quyền lợi nhiều hơn trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội.

Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc xem điều kiện kinh tế - xã hội trong nước có đáp ứng được quyền lợi cho toàn bộ trẻ hay không. Ngoài ra, lứa tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi là lứa tuổi chưa phát triển đầy đủ về sức khỏe và nhận thức, chưa đủ các điều kiện cần thiết để trở thành người thành niên, cần được bảo vệ, chăm sóc đặc biệt. Thực tế cho thấy, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hiện hành sau một thời gian thực thi đã bộc lộ nhiều hạn chế với nhiều qui định mang tính chung chung. Do đó, quy định nâng độ tuổi trẻ em đến dưới 18 tuổi là hợp lý. Song, việc thay đổi này sẽ khiến nhiều văn bản pháp luật khác phải điều chỉnh theo như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình...

Trái ngược với quan điểm trên, theo ông Lê Trung Thắng - chuyên gia nghiên cứu về tâm sinh lý trẻ em, hiện nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, trẻ được tiếp xúc sớm hơn với khoa học kỹ thuật nên hiểu biết nhiều và trưởng thành nhanh hơn. Bên cạnh đó, tình hình tội phạm chưa thành niên thời gian qua diễn biến khá phức tạp, với phương thức, thủ đoạn hết sức nguy hiểm, tinh vi, mang tính côn đồ, man rợ và mất hết tính người. Do vậy, việc thừa nhận 16 tuổi là người thành niên để các em có nhiều quyền năng, hành động và chịu trách nhiệm trong các quan hệ xã hội là điều cần thiết.

Cần xem xét kỹ trước khi quyết định

Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú chia sẻ, thời gian qua, một số vụ việc phạm tội giết người có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, tàn bạo đã xảy ra do người chưa thành niên thực hiện nhưng chỉ là số ít, không mang tính phổ biến. Hơn nữa, việc xác định tuổi thành niên có ý nghĩa rất quan trọng vì nó liên quan đến nhiều quyền, nghĩa vụ công dân được quy định ở nhiều đạo luật khác nhau.

Mặt khác, trẻ 16 tuổi đang học lớp 10, chưa hoàn thành chương trình phổ thông trung học, chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức về văn hóa, pháp luật khó có thể coi là người đã trưởng thành. Do vậy, việc dựa vào các hiện tượng mang tính bề nổi của các tệ nạn xã hội liên quan đến giới trẻ mà cho rằng tuổi 16 là thành niên để xử phạt họ thật nặng là thiếu khách quan. Thực tế cho thấy, nhiều bị cáo tuổi 16-18 khi ra tòa vẫn còn những suy nghĩ rất ngây ngô và trẻ con. Dù có áp dụng các quy định thật hà khắc đối với các đối tượng này mà không thực hiện những giải pháp khác có liên quan về công tác giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật cho trẻ em thì việc ngăn ngừa tình trạng phạm tội của người thành niên sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huệ Linh (An ninh thủ đô)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN