Quy định mới về rút bảo hiểm xã hội một lần

Sự kiện: Tin nóng

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, đưa ra quy định mới về việc rút bảo hiểm xã hội một lần với người lao động.

Sáng 29/6, với 454/4465 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Trước khi Quốc hội thông qua luật, quy định rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đã được các đại biểu biểu quyết riêng. Theo đó, có 456/470 đại biểu có mặt tán thành, 5/470 đại biểu có mặt không tán thành và 9/470 đại biểu có mặt không biểu quyết.

Như vậy luật mới quy định: Người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà cũng không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần.

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, vấn đề do còn có ý kiến khác nhau, để bảo đảm dân chủ và trách nhiệm, ngày 18/6 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu. Ảnh: Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu. Ảnh: Quốc hội

Kết quả 355/487 đại biểu cho ý kiến, trong đó 310/355 đại biểu lựa chọn phương án 1; 38/355 đại biểu chọn phương án 2; 7/355 đại biểu không lựa chọn 1 trong 2 phương án mà đề xuất phương án khác.

Căn cứ kết quả xin ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật theo phương án 1 là phương án được đa số đại biểu lựa chọn. Đây cũng là phương án Chính phủ ưu tiên lựa chọn khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Theo đó, người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, đã chấm dứt tham gia BHXH, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà cũng không tham gia BHXH tự nguyện, có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, có đề nghị thì được hưởng BHXH một lần.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, phương án được đa số đại biểu lựa chọn cũng là phương án có nhiều ưu điểm hơn, như bảo đảm tính kế thừa quy định hiện hành, không làm ảnh hưởng nhiều đến gần 18 triệu người đang tham gia BHXH nên sẽ hạn chế gây xáo trộn trong xã hội.

Phương án này thể chế hóa đúng tinh thần của Nghị quyết 28 giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí. Đồng thời, hạn chế được tình trạng một người tham gia BHXH có nhiều lần hưởng BHXH một lần thời gian qua.

Quy định như dự thảo cũng hướng tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về BHXH và góp phần thích ứng với tốc độ già hóa dân số rất nhanh hiện nay ở nước ta.

Về lâu dài, người tham gia mới sẽ chỉ còn hưởng BHXH một lần trong một số trường hợp đặc biệt nên sẽ góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ của BHXH từ chính quá trình tích lũy khi tham gia BHXH của mình và giảm gánh nặng cho cả xã hội, ngân sách nhà nước sau này ưu tiên cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách, chế độ mang tính chất bảo trợ xã hội.

Tuy có quy định về việc hưởng BHXH một lần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không mong muốn người lao động yêu cầu nhận BHXH một lần, người lao động cần tiếp tục tham gia BHXH để bảo đảm an sinh xã hội lâu dài.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức lưu ý Chính phủ trong thời gian tới như cần phải có giải pháp căn cơ, lâu dài để hỗ trợ người lao động tham gia BHXH gặp khó khăn trước mắt trong cuộc sống như có chính sách tín dụng phù hợp.

Ngoài ra, đẩy mạnh các giải pháp về truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng và những bất lợi khi lựa chọn hưởng BHXH một lần cùng với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm về BHXH của cơ quan quản lý nhà nước, của tổ chức thực hiện chính sách…

Các khoản trợ cấp sẽ được điều chỉnh tăng từ 1/7/2024 khi lương cơ sở tăng từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng/ tháng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Thường ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN