Quy định mới nhất về độ tuổi lái xe và độ tuổi không được lái xe
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định về độ tuổi lái xe và bổ sung quy định về độ tuổi tối đa khi được lái xe đối với cả nam và nữ.
Luật Trật tự ATGT đường bộ vừa được Quốc hội thông qua quy định, từ ngày 1-1-2025. Theo đó, Luật quy định về tuổi lái xe được điều khiển xe tuỳ theo các hạng giấy phép lái xe.
Tăng độ tuổi tối đa khi lái xe
Cụ thể, tại Điều 59 quy định tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ như sau:
Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy;
Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ;
Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C, BE;
Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D1, D2, C1E, CE;
Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, D1E, D2E, DE;
Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả ô tô buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ bổ sung thêm quy định về tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người. Ảnh: TN
Luật cũng quy định, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải bảo đảm điều kiện sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô; xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định độ tuổi của người lái xe trong lực lượng quân đội, công an làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Luật hiện hành quy định ra sao?
Hiện hành, theo quy định của Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về độ tuổi của người lái xe như sau:
Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ôtô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi;
Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ôtô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);
Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ôtô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);
Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ôtô chở người trên 30 chỗ ngồi, lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);
Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.
Ngoài ra, người thí sinh cần đáp ứng điều kiện về sức khỏe. Theo đó, người điều khiển xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe điều khiển và công dụng của xe.
Quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe sẽ được Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đưa ra. Ngoài ra, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe cũng được các cơ quan chức năng quy định.
Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong giấy phép lái xe, mỗi tài xế có 12 điểm/năm. Trường hợp bị trừ hết điểm, tài xế không được lái xe và phải tham gia kiểm tra kiến thức an toàn giao thông.
Nguồn: [Link nguồn]