Quốc tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong 2 ngày 20 và 21-3

Trong 2 ngày Quốc tang nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải (ngày 20 và ngày 21-3-2018), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.

Chiều tối 17-3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra thông cáo đặc biệt về tang lễ nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải.

Theo thông cáo, ông Phan Văn Khải, sinh ngày 25-12-1933; quê quán: Xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP HCM; thường trú tại số nhà 24 Tú Xương, Phường 7, Quận 3, TP HCM; tham gia cách mạng năm 1947, vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 15-7-1959. Nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá V, VI, VII, VIII, IX; Uỷ viên Bộ Chính trị các khoá VII, VIII, IX; Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị khoá VIII; nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đại biểu Quốc hội các khoá VIII, IX, X, XI.

Quốc tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong 2 ngày 20 và 21-3 - 1

Lễ viếng tại gia đình nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tổ chức ngày 17-3 ở quê nhà huyện Củ Chi, TP HCM - Ảnh: Gia Minh

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, ông Phan Văn Khải đã từ trần hồi 1 giờ 30 phút, ngày 17-3-2018 (tức ngày 1 tháng 2 năm Mậu Tuất), tại nhà riêng xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP HCM.

Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã có nhiều đóng góp lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

"Đồng chí mất đi là một tổn thất đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Để tỏ lòng tưởng nhớ đồng chí Phan Văn Khải, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Phan Văn Khải với nghi thức Quốc tang"- thông cáo nêu rõ.

Linh cữu nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải được quàn tại Hội trường Thống Nhất, TP HCM.

Lễ viếng nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, TP HCM, bắt đầu từ 8 giờ, ngày 20-3-2018 đến hết ngày 21-3-2018.

Lễ truy điệu được tổ chức trọng thể lúc 7 giờ 30 phút, ngày 22-3-2018 tại Hội trường Thống Nhất, TP HCM. Lễ an táng lúc 11 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang quê nhà xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP HCM.

Cùng thời gian này, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội cũng diễn ra Lễ viếng, Lễ truy điệu nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải.

Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng tại TP HCM và tại Hà Nội.

Trong 2 ngày Quốc tang (ngày 20 và ngày 21-3-2018), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.

Ban Lễ tang nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải gồm 33 người, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban Lễ tang.

Ban Tổ chức Lễ tang gồm 19 người, do Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình làm Trưởng ban.

Tóm tắt tiểu sử nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải

Ông Phan Văn Khải, sinh ngày 25-12-1933, tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP HCM; thường trú tại số nhà 24 Tú Xương, Phường 7, Quận 3, TP HCM. Ông tham gia cách mạng năm 1947; ngày 15-7-1959 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1947, ông tham gia Đội thiếu nhi xã và làm cán bộ thiếu nhi xã Tân An Hội, huyện Hóc Môn. Năm 1948 - 1949, làm Uỷ viên Ban Chấp hành thiếu nhi huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định.

Năm 1950 đến năm 1951, ông làm công tác văn thư Tỉnh đoàn thanh niên tỉnh Gia Định.

Năm 1952 đến năm 1954, ông làm công tác văn phòng của Mặt trận Liên Việt tỉnh Gia Định Ninh, Văn phòng Tỉnh uỷ và Uỷ ban kháng chiến tỉnh Gia Định Ninh.

Tháng 10-1954, ông tập kết ra Bắc.

Năm 1955 đến năm 1957, ông làm công tác giảm tô đợt 7 ở Hà Nam, đợt 4 cải cách ruộng đất ở tỉnh Sơn Tây và đợt 5 cải cách ruộng đất ở Bắc Hưng Yên.

Tháng 8-1957 đến năm 1959, ông học văn hoá ở Trường bổ túc công nông Trung ương.

Tháng 8-1959 đến tháng 8-1960, ông học Trường Ngoại ngữ Trung ương.

Tháng 9-1960 đến tháng 6-1965, ông học Đại học Kinh tế quốc dân Moscow, Liên Xô.

Tháng 6-1965 đến năm 1971, ông làm cán bộ, Phó phòng, Trưởng phòng Vụ Tổng hợp, Uỷ ban Kế hoạch nhà nước.

Năm 1972 đến năm 1975, ông làm cán bộ nghiên cứu kinh tế miền Nam, năm 1973 vào chiến trường B2, năm 1974, ông ra Hà Nội làm Vụ phó Vụ Kế hoạch chi viện, Uỷ ban Thống nhất.

Năm 1976 đến năm 1978, ông làm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch TP HCM.

Năm 1979 đến năm 1980, ông làm Thành uỷ viên, Uỷ viên Thường vụ Thành uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP HCM.

Năm 1981 đến năm 1984, ông làm Phó Bí thư Thành uỷ, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban nhân dân TP HCM.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3-1982), ông được bầu vào Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá V (năm 1984), ông được bầu vào Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Năm 1985 đến tháng 3-1989, ông làm Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP HCM.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986), ông tiếp tục được bầu lại vào Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tháng 4-1989 đến tháng 6-1991, ông làm Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch nhà nước.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6-1991), ông tiếp tục được bầu lại vào Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương bầu vào Uỷ viên Bộ Chính trị.

Tháng 7-1991, ông làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; tháng 9-1992 đến tháng 8-1997 làm Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6-1996), ông tiếp tục được bầu lại vào Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tiếp tục được Trung ương bầu vào Uỷ viên Bộ Chính trị; ông làm Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ.

Tháng 9-1997, ông làm Thủ tướng Chính phủ; làm Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị tháng 01-1998.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (tháng 4-2001), ông tiếp tục được bầu lại vào Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương bầu vào Uỷ viên Bộ Chính trị, tiếp tục làm Thủ tướng Chính phủ đến tháng 7-2006.

Ông được nghỉ công tác, nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 01-01-2008.

Ông là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá V, VI, VII, VIII, IX; Uỷ viên Bộ Chính trị các khoá VII, VIII, IX; Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị khoá VIII; Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đại biểu Quốc hội các khoá VIII, IX, X, XI.

Do có nhiều công lao và đóng góp lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, nhiều Huân chương, Huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế và Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham gia chuẩn bị lễ tang cố Thủ tướng Phan Văn Khải

Dòng người đến trước linh cữu, kính cẩn thắp nén nhang tiễn biệt nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải về nơi an nghỉ cuối...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo D.Ngọc (Người lao động)
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN