Quốc lộ 51: Đào xới rồi... để đó

Đã nhiều năm trôi qua, dự án mở rộng Quốc lộ 51 vẫn ngổn ngang, gây khó khăn, hệ lụy cho người dân: vườn ngập nước, tai nạn tăng, việc đi lại vất vả.

Dự án mở rộng Quốc lộ 51 (kết nối tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có tổng vốn đầu tư 3.300 tỉ đồng, được triển khai theo hình thức BOT, khởi công tháng 8/2009, theo hợp đồng sẽ kết thúc thi công vào ngày 1/8/2012.

Đào xới rồi để đó

Theo ghi nhận của chúng tôi, thời hạn kết thúc hợp đồng đã trôi qua 1 năm, công trình trên toàn tuyến về cơ bản đã xong nhưng còn nhiều đoạn đường chắp vá nham nhở, một số nơi được cải tạo xong lại bị tróc, vương vãi cát, đá. Hệ thống cống nước, dải phân cách, đèn đường ngổn ngang, không đồng bộ. Nhiều đoạn đường đông dân, nhiều phương tiện lưu thông nhưng không có dải phân cách giữa làn dành cho ô tô và xe máy.

Đoạn qua thị trấn Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), các công trường ngổn ngang, cát đá rơi vãi đầy đường, những dải phân cách tạm bợ vứt chỏng chơ. Dòng người đi từ phía TP Bà Rịa về Đồng Nai phải chui xuống những con đường đất đào tạm, bên những mép hố, bụi mù trời.

Quốc lộ 51: Đào xới rồi... để đó - 1

Quá hẹn 1 năm, Quốc lộ 51 vẫn bị đào bới, các phương tiện giao thông chen chúc trong những con đường tạm chật hẹp

Trong khi đó, mặt đường chính được ngăn lại nhường cho vật liệu, xe lu, xe xúc nhưng vắng bóng người thi công. Hai bờ đường dọc nhà dân, từng dãy hố sâu 2 - 3 m, dài hàng trăm mét được đào lên, rêu phủ xanh, trời mưa nước đọng thành ao. Đây là đoạn “chốt” của dự án nhưng theo chủ đầu tư cũng là một trong những đoạn khó khăn nhất về giải phóng mặt bằng, kết cấu xây dựng hạ tầng so với toàn tuyến và vì vậy, cứ phải… chờ.

Chưa biết bao giờ xong

Quốc lộ 51 là tuyến đường huyết mạch của vùng kinh tế trọng điểm. Việc công trình này thi công kéo dài (Báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin) khiến người dân than trời. Tại thị trấn Long Thành, nhà dân bị “đẩy lùi” vào trong, phía trước là đại công trường.

“Không buôn bán, làm ăn gì được, suốt ngày vào ra nhìn cây cầu ván bắc qua hố sâu trước nhà mà ngán ngẩm, thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể” - chị Hoa, chủ một cửa hàng tạp hóa, nói.

Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải hành khách chạy tuyến Vũng Tàu - các tỉnh Đông Nam Bộ liên tục kêu ca. “Thi công ì ạch cả mấy năm trời chưa xong khiến đi lại khó khăn, phương tiện mau hư hỏng, đón trả khách bất tiện, lúc nào cũng nơm nớp đề phòng tai nạn” - chủ một hãng xe khách chất lượng cao chạy trên tuyến đường này than phiền.

Quốc lộ 51: Đào xới rồi... để đó - 2

Người dân lưu thông cùng với bụi và sỏi đá

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, năm 2012, tỉnh này từng khởi tố một vụ án liên quan đến đơn vị thi công gây tai nạn giao thông làm chết người. Sở Giao thông Vận tải (GTVT), Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai và Cục Quản lý chất lượng công trình (Bộ GTVT) vào giữa tháng 7/2013 vừa có chuyến khảo sát trên toàn tuyến, thống nhất việc đơn vị thi công phải lắp đặt dải phân cách bằng bê tông tách làn ô tô với xe hai bánh đồng thời mở rộng thêm làn xe hai bánh.

Đoàn khảo sát cũng yêu cầu bổ sung nhiều biển báo, thi công thêm ở các đoạn giao nhau với đường địa phương; đồng thời tăng cường hệ thống chiếu sáng ở những đoạn đã hoàn thành và cả những điểm đang thi công.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thành Hóa, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC - chủ đầu tư dự án), cho biết khó khăn nhất trong vấn đề thi công hiện nay vẫn là giải phóng mặt bằng. Đây là vấn đề được giao cho địa phương nhưng do người dân chỉ bàn giao mặt bằng theo kiểu “da beo”, nhiều hộ còn kiện cáo, khiếu nại khiến công trình gặp quá nhiều khó khăn. Một trở ngại khác hiện nay là vào mùa mưa nên không dám đào đường lên.

“Hiện tại, dù chỉ còn đoạn qua thị trấn Long Thành là chủ yếu, tuy nhiên… vẫn chưa biết khi nào mới xong” - ông Hóa nói.

Đã triển khai thu phí

Mặc dù dự án chưa biết lúc nào có thể kết thúc nhưng hiện nay, chủ đầu tư đã bắt đầu triển khai việc thu phí trên tuyến đường này. Theo hợp đồng ký kết giữa Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nguồn thu để chủ đầu tư thu hồi vốn theo hình thức BOT là việc thu phí đối với các phương tiện cơ giới qua các trạm T1, T2 và T3, được phép đặt trên Quốc lộ 51. Hiện tại, 2 trong 3 trạm nói trên đã bắt đầu đi vào hoạt động.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Hoàng (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN