Quốc hội trao nhiều cơ chế đặc thù cho Hà Nội trong 5 năm tới
Sáng 19/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2020 và được thực hiện trong 5 năm.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết. Ảnh Nhật Minh
Nghị quyết này quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội về quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, mức dư nợ vay và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính.
Trên cơ sở đó, HĐND thành phố quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội một số khoản thu phí phù hợp với đặc điểm của thành phố Hà Nội, bao gồm: Phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí.
Đồng thời HĐND thành phố có thẩm quyền điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong danh mục phí, lệ phí, trừ các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương hưởng 100%.
Nghị quyết yêu cầu, việc thí điểm thực hiện chính sách thu phí trên địa bàn thành phố phải bảo đảm có lộ trình phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021- 2025, trình độ và yêu cầu phát triển của thành phố Hà Nội; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngành, nghề ưu đãi đầu tư.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết - Ảnh Nhật Minh
Cùng với đó, ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và chi sự nghiệp kinh tế, khoa học – công nghệ, giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố Hà Nội.
Đồng thời ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố Hà Nội.
Ngân sách thành phố Hà Nội cũng được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố Hà Nội.
Về quản lý chi ngân sách nhà nước, thành phố Hà Nội thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định.
Nguồn: [Link nguồn]
Với đa số đại biểu tán thành, chiều 17/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đầu tư sửa đổi, trong đó quy định...