Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù phát triển TP HCM

Sự kiện: Thời sự

Quốc hội chiều 24-6 đã chính thức thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, tạo cơ sở pháp lý, động lực để TP HCM phát triển nhanh, bền vững

Chiều 24-6, với 97,37% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM (gọi tắt là Nghị quyết mới). Nghị quyết mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2023.

Kết quả biểu quyết.

Kết quả biểu quyết.

Hàng loạt cơ chế, chính sách mới

Trước đó, trình bày tiếp thu, giải trình dự thảo Nghị quyết mới, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng việc thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách này để "tạo cơ sở pháp lý, động lực để TP HCM phát triển nhanh, bền vững".

Nghị quyết mới gồm các chính sách mới lần đầu được quy định về đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy. Ngoài ra, Nghị quyết mới cũng đưa ra một số chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54 và các nghị quyết cơ chế đặc thù đã được áp dụng tại các địa phương khác.

Về đầu tư, TP HCM được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), trong đó sử dụng ngân sách địa phương triển khai dự án đầu tư công độc lập để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, quy hoạch vùng đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt, nút giao thông dọc tuyến đường vành đai 3. UBND TP được quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, xã hội với các dự án này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Lê Quang Mạnh. Ảnh: Phạm Thắng

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Lê Quang Mạnh. Ảnh: Phạm Thắng

Quá trình cho ý kiến, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng các chính sách đặc thù cho TP HCM chưa đột phá, khác biệt để giúp TP phát triển vượt trội. Giải trình vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho hay hiện thành phố đang nghiên cứu một số chính sách đột phá như Trung tâm tài chính quốc tế, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát với công nghệ trong tài chính. Về lâu dài, UBTVQH đề nghị Chính phủ nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định những cơ chế, chính sách thực sự đột phá để TP HCM phát triển theo tinh thần Nghị quyết 31 và kết luận 14 của Bộ Chính trị.

Quốc hội cho phép TP HCM đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với dự án lĩnh vực thể thao, văn hóa; y tế, giáo dục đào tạo. TP HCM được áp dụng loại hợp đồng BOT với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu.

Trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỉ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không bảo đảm khả năng hoàn vốn, HĐND TP xem xét, quyết định việc tăng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án.

TP HCM cũng được áp dụng hợp đồng BT, với tổng mức đầu tư dự án theo loại hợp đồng này được xác định như dự án đầu tư công. Chính phủ quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT. Các chi phí này được tính vào tổng mức đầu tư dự án.

Về tài chính, ngân sách nhà nước, HĐND TP quyết định và điều chỉnh mức, tỉ lệ thu phí, lệ phí chưa có trong danh mục của Luật Phí, lệ phí (trừ phí, lệ phí toà án, các loại phí thuộc nguồn thu ngân sách trung ương). Ngân sách thành phố được hưởng 100% số tăng thu từ các khoản thu do điều chỉnh phí, lệ phí.

TP HCM được thực hiện cơ chế tạo nguồn để cải cách tiền lương, chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền.

TP cũng được vay qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, và nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho vay lại, với tổng dư nợ tối đa 120% số thu ngân sách TP HCM được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo Luật Ngân sách nhà nước.

Hàng năm, TP được bổ sung tối đa 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán được Thủ tướng giao.

Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP HCM (HFIC) là Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước, quản lý Quỹ đầu tư phát triển địa phương. Nguồn lực thu được từ cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước do UBND TP làm đại diện, được dùng để tăng vốn cho HIFC. Lợi nhuận còn lại của HFIC sau khi trích lập các quỹ, được giữ lại bổ sung vào Quỹ Đầu tư phát triển. HĐND được bố trí vốn đầu tư công từ ngân sách thành phố để hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế xã hội.

TP HCM được thí điểm cơ chế tài chính để giảm phát thải khí nhà kính theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Ngân sách TP HCM hưởng 100% nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon.

Trụ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, đơn vị được xác định là tài sản công được lắp đặt hệ thống điện mặt trời để tự dùng.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết mới. Ảnh: Phạm Thắng

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết mới. Ảnh: Phạm Thắng

Tự quyết cơ chế, thu hút nhà đầu tư chiến lược

Về thu hút nhà đầu tư chiến lược, TP được tự quyết cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực sản xuất chip, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, vật liệu mới.

Nghị quyết cũng đưa ra chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp với khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Liên quan tới tổ chức bộ máy, TP được quy định tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND huyện và Phó Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn có số dân từ 50.000 dân trở lên để đảm bảo nguồn lực lãnh đạo quản lý để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. HĐND TP quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn.

UBND TP quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố nhằm thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp cho TP, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Về hiệu lực thi hành của Nghị quyết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, theo đó, hiệu lực thi hành của Nghị quyết từ ngày 1-8-2023, bảo đảm quy định có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày thông qua Nghị quyết để phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Không quy định "cứng" thời gian áp dụng

Có ý kiến cho rằng thời gian thực hiện thí điểm của TP nên kéo dài trên 5 năm, có thể từ 7-10 năm. Có ý kiến đề nghị áp dụng thí điểm đến năm 2030. Có ý kiến đề nghị cân nhắc kéo dài chính sách này đến đúng kỳ quy hoạch 2021 - 2030. Có ý kiến đề nghị không xác định thời hạn cụ thể mà có cơ chế để Chính phủ báo cáo với Quốc hội nhằm có cơ sở đánh giá về hiệu quả và kịp thời điều chỉnh các chính sách thí điểm nếu thấy cần thiết.

UBTVQH nhận thấy việc thực hiện thí điểm Nghị quyết không nên quy định "cứng" thời gian 5 năm để có thể đánh giá, điều chỉnh, cho phép tiếp tục thực hiện những quy định phát huy tác dụng. Thực tế cho thấy, Nghị quyết 54 cũng không quy định về thời gian thí điểm mà chỉ yêu cầu Chính phủ sơ kết sau 3 năm, tổng kết sau 5 năm thực hiện và sau khi Chính phủ báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54, nhiều chính sách đã được Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện.

Do đó, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý quy định theo hướng không quy định thời gian thực hiện thí điểm mà giao Chính phủ sơ kết 3 năm, tổng kết 5 thực hiện để Quốc hội xem xét, quyết định.

Nguồn: [Link nguồn]

Chính phủ trình Quốc hội các cơ chế đặc thù phát triển TP HCM

Xét về tính mới và kế thừa, Chính phủ trình Quốc hội 4 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo B.H.Thanh - Minh Chiến ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN