Quốc hội kiện toàn lãnh đạo chủ chốt và những kỳ vọng
Việc xử lý cán bộ vi phạm, thay đổi nhân sự cấp cao, lãnh đạo chủ chốt là nhằm mục đích duy nhất để Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn; từ đó thực hiện tốt nhất vai trò vị trí lãnh đạo của mình.
Hôm nay (20-5), kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) khóa XV khai mạc trong bối cảnh có những thay đổi lớn về nhân sự lãnh đạo cấp cao. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Sĩ Dũng, người gắn bó với QH nhiều năm, nhìn nhận rằng: “Việc thay đổi nhân sự lãnh đạo cấp cao vừa qua là điều nên làm và cần làm, nước nào thì cũng cần phải làm như vậy”.
“Đảng đã xác định trong nhiều nhiệm kỳ qua, việc thay đổi cán bộ cấp cao, xử lý cán bộ nhằm mục đích duy nhất là để Đảng ngày càng trong sạch hơn, từ đó đảm bảo tốt hơn vai trò, vị trí lãnh đạo của mình” - ông Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Đảng ngày càng trong sạch, niềm tin càng tăng
. Phóng viên: Theo quan sát của ông, điều này có gây ra ảnh hưởng gì đối với xã hội, với Đảng và nhất là với QH, nơi ông từng phục vụ nhiều năm bằng tất cả tâm huyết?
+ Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Không thể phủ nhận những ảnh hưởng nhất định đến dư luận, tâm lý chung của nhân dân cũng như của một số nhà đầu tư, khi hệ thống của chúng ta thay đổi nhân sự cấp cao. Nhưng thực chất đến hôm nay, nhất là sau Hội nghị Trung ương 9 thì chính trị của đất nước vẫn ổn định; chủ trương, đường lối của Đảng vẫn nhất quán. Và quan trọng hơn, như Đảng đã xác định trong nhiều nhiệm kỳ qua, việc thay đổi cán bộ cấp cao, xử lý cán bộ nhằm mục đích duy nhất là để Đảng ngày càng trong sạch hơn, từ đó đảm bảo tốt hơn vai trò, vị trí lãnh đạo của mình. Thực tiễn những năm qua cũng cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần tích cực vào việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch bộ máy tạo tiền đề cho những nhiệm kỳ tới đây có điều kiện để thực hiện tốt hơn các mục tiêu của Đảng cầm quyền.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Sĩ Dũng
Mặt khác, dù cũng có ý kiến này, ý kiến kia nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận việc này được nhiều cán bộ, đảng viên, tin tưởng, đồng tình, ủng hộ, dư luận nhân dân cũng đánh giá mặt tích cực ở nhiều chiều kích khác nhau.
. Việc những lãnh đạo cấp cao từ nhiệm và được Trung ương đồng ý cho thôi các chức vụ, theo ông, đã thể hiện những thông điệp gì?
+ Việc này thể hiện nhất quán một thông điệp của Đảng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định nhiều lần trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “không có vùng cấm”. Chúng ta thấy trong ba năm qua, nhiều lãnh đạo chủ chốt, cấp cao của Đảng đã từ nhiệm vì sau quá trình kiểm tra, thanh tra thì các vị nhận ra được trách nhiệm chính trị của mình.
Và vì thế, nhìn nhận ở góc độ trách nhiệm chính trị thì rõ ràng thông điệp “không có vùng cấm” đã được thể hiện ở mức độ cao, qua việc không có một lãnh đạo nào được miễn trừ trách nhiệm chính trị. Bởi chúng ta hiểu rằng đối với một chính khách, trách nhiệm chính trị là hồn cốt, nền tảng để họ có đủ chính danh nắm giữ chức vụ của mình.
. Điều đó thì đã rõ, thưa ông. Nhưng như ông cũng phân tích chế độ trách nhiệm có hai loại. Ngoài trách nhiệm chính trị thì còn trách nhiệm pháp lý?
+ Thực ra liên quan đến lĩnh vực công, có ba loại trách nhiệm chính là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm đạo lý. Chế tài của trách nhiệm chính trị là sự bất tín nhiệm (và bị mất chức); chế tài của trách nhiệm pháp lý là các hình phạt; chế tài của trách nhiệm đạo lý là sự cắn rứt của lương tâm và sự dè bỉu của xã hội. Các lãnh đạo cấp cao được cho thôi chức vừa qua là chịu trách nhiệm chính trị. Còn trách nhiệm đạo lý thì chắc chẳng ai tránh được.
Về pháp lý, trong hệ thống pháp luật của nước ta, các đại biểu (ĐB) QH đều có quyền miễn trừ nhưng không phải là miễn trừ tuyệt đối, mà chỉ là miễn trừ tương đối. Luật pháp quy định là không được khởi tố, bắt giam và truy tố ĐBQH nếu không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ QH. Điều này khác với một số nước nơi các ĐBQH có quyền miễn trừ tuyệt đối, khi họ đang là ĐBQH thì không thể bị truy tố, bắt giam.
Về cơ bản, chúng ta thấy nhiều trường hợp lãnh đạo cấp cao bị xử lý hình sự với những hình phạt thích đáng và một số thì ở mức chịu trách nhiệm chính trị. Chúng ta tin là có lý do chính đáng, có thể là chứng cứ không thật rõ ràng để xử lý hình sự những trường hợp ấy.
Hội nghị Trung ương 9 kiện toàn nhân sự cấp cao và thống nhất giới thiệu Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (thứ 2 và thứ 3 từ phải sang) để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước. Ảnh: TTXVN
Để cho các ĐBQH thực thi tốt nhất quyền của mình
. Đối với QH, theo ông, việc thay đổi nhân sự lãnh đạo chủ chốt như vậy liệu sẽ đưa đến những thay đổi nào trong quá trình lập pháp, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng?
+ Một điều chắc chắn rằng chúng ta sẽ có tân Chủ tịch QH. Chúng ta có thể tin rằng đây sẽ là một người có kinh nghiệm điều hành. Ngoài ra, từ những gì đã xảy ra đối với các lãnh đạo cấp cao không chỉ của QH thời gian qua, nhà lãnh đạo mới chắc chắn sẽ rút được kinh nghiệm và sẽ thận trọng, dân chủ hơn trong việc vận hành thể chế. Điều này làm chắc chắn sẽ giúp nâng cao chất lượng của thể chế và giảm thiểu được các rủi ro lập pháp.
Có hai vấn đề mà tân Chủ tịch QH chắc hẳn sẽ lưu ý. Một là năng lực vận hành QH. Bởi vận hành QH là vận hành một thể chế dân chủ đại diện chứ không phải là điều hành một cơ quan hành chính. Nói cách dễ hiểu là điều hành máy bay thì khác với điều hành xe đạp. Chính vì vậy, năng lực vận hành thể chế là rất quan trọng.
. Còn về phía các ĐBQH thì sao thưa ông?
+ Các ĐBQH thì cũng đã hoạt động gần 2/3 nhiệm kỳ rồi. Chúng ta thấy QH nhiệm kỳ nào cũng vậy, đến giữa nhiệm kỳ là sẽ xuất hiện các ĐBQH có năng lực phát biểu, tham gia thảo luận chính sách và quyết nghị các chính sách hiệu quả, có chất lượng. Bởi vậy tôi cho rằng một Chủ tịch QH hài hòa, thấu hiểu những nguyên tắc cơ bản của nghị trường sẽ tôn trọng quyền của tất cả ĐBQH. Và chức năng quan trọng nhất của Chủ tịch QH cũng là điều hành các phiên họp QH sao cho tất cả ĐBQH có thể thực thi tốt nhất quyền của mình, cũng như nghĩa vụ đối với cử tri.
Tức là Chủ tịch QH sẽ luôn ý thức rằng mình cũng chỉ là một ĐBQH và lá phiếu của mình cũng có giá trị pháp lý ngang lá phiếu của các ĐBQH khác. Có những nước, thậm chí người ta còn quy định Chủ tịch QH không tham gia bỏ phiếu, thảo luận… Chủ tịch QH chỉ bỏ phiếu khi mà số phiếu thuận, phiếu chống ngang nhau mà QH phải đưa ra quyết định. Khi đó, lá phiếu của Chủ tịch QH bỏ cho bên nào thì bên đó sẽ thắng và quyết sách được thông qua.
“Bảo tồn năng lực thể chế”
. Còn vấn đề thứ hai là gì, thưa ông? Liệu có phải là vấn đề bảo tồn năng lực thể chế?
+ Đúng vậy, bảo tồn năng lực thể chế là một vấn đề rất lớn. Thực tế ở ta hiện nay, sau một kỳ bầu cử thì có đến trên 2/3 ĐBQH là ĐBQH mới, tức là những người lần đầu được bầu vào QH. Đây quả thực là một vấn đề khi chúng ta muốn có một QH mà ở đó các ĐBQH đều thành thạo kỹ năng hoạt động nghị trường và làm ĐB đại diện cho dân.
Quốc hội phải xứng đáng với kỳ vọng của cử tri, nhân dân . Phóng viên: Ông kỳ vọng gì về nửa cuối của nhiệm kỳ QH khóa XV? + Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi vẫn mong mọi ĐBQH đều phát huy đầy đủ quyền của mình, đồng thời đại diện được cho những lợi ích phong phú và đa dạng của đất nước ta, một đất nước có dân số lên đến 100 triệu người. Bởi chỉ khi như vậy thì QH mới thực sự không chỉ là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, mà còn là cơ quan ĐB cao nhất của nhân dân. |
. Nghiên cứu QH ở nhiều nơi, ông thấy các nước họ có các giải pháp, cách thức nào để “bảo tồn năng lực điều hành thể chế” như ông nói?
+ Mỗi nước có một cách thức khác nhau nhưng có thể kể đến một số cách thức tiêu biểu thế này.
Có nước thì cứ hai năm họ bầu QH một lần, không phải bầu tất cả, mà chỉ bầu 1/2 hoặc 1/3 số lượng ĐBQH thôi. Điều ấy cho phép các ĐBQH cũ vẫn duy trì được năng lực lập pháp của cả QH, đồng thời đào tạo các ĐBQH mới như một lớp kế cận xứng đáng.
Nhưng cũng có một số nước thì họ coi vấn đề bảo tồn năng lực thể chế của QH không phải là… một vấn đề quá lớn. Bởi ở đó nghị sĩ là một nghề chuyên nghiệp, nó thích hợp cho những người có kỹ năng và tâm huyết là ĐB. Nghị sĩ nào thích thì làm, còn uy tín thì tranh cử và thường thì khi họ tranh cử thì sẽ trúng cử. Ở những quốc gia này, có những người cả đời làm nghị sĩ. Họ tái cử liên tục nên việc bảo tồn năng lực điều hành thể chế được thực hiện rất tốt.
. Nhưng nói gì thì nói, vẫn phải có cả những điểm chốt hoặc là những nhân sự như then chốt để bảo tồn năng lực thể chế như ông nói.
+ QH các nước coi nhân vật chủ chốt này là tổng thư ký QH. Đây là “quan chức hành chính” của QH. Cử tri có bầu ra QH mới đi chăng nữa thì thường người ta sẽ giữ lại tổng thư ký QH là người cũ. Bởi đó chính là cơ chế để bảo tồn năng lực thể chế.
Ở nhiều nước, ngồi bên cạnh Chủ tịch QH để điều hành bao giờ cũng là tổng thư ký. Bởi như đã nói, tổng thư ký là quan chức hành chính của QH. Người này phải phấn đấu đi lên từ chuyên viên, kinh qua các chức vụ của Văn phòng QH… rồi cuối cùng mới đảm nhận nhiệm vụ tổng thư ký. Bởi cách thức QH hoạt động thế nào, Chủ tịch QH cần điều hành ra sao trong thảo luận, trong chất vấn… thì những người tư vấn luôn luôn ngồi bên cạnh là tổng thư ký QH. Người nắm rõ nhất nguyên tắc, quy trình, thủ tục hoạt động của QH phải là tổng thư ký QH.
. Xin cảm ơn ông!
Cử tri đau xót nhưng tin tưởng hơn khi Đảng mạnh tay xử lý cán bộ cấp cao vi phạm Trong dự thảo báo cáo tóm tắt ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ bảy của QH được Ủy ban Thường vụ QH bàn để chuẩn bị trình QH, về phân công công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cử tri và nhân dân đánh giá rất cao công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Công tác này đã tiếp tục đạt được kết quả quan trọng, toàn diện, “nói đi đôi với làm”, thật sự “không có vùng cấm”, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Các cơ quan chức năng không chỉ xử lý kịp thời, nghiêm minh người vi phạm mà còn thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước. Dù vậy, với những diễn biến dồn dập liên quan đến nhân sự cấp cao, cử tri và nhân dân bày tỏ sự đau xót khi một số cán bộ cấp cao đã vi phạm những điều đảng viên không được làm, mất uy tín, không thể tiếp tục đảm nhiệm trọng trách được Đảng và nhân dân giao phó. Cử tri và nhân dân rất tin tưởng vào Đảng, Nhà nước “không ngừng, không nghỉ” trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp này. Đồng thời cũng còn băn khoăn, lo ngại về một số thông tin thất thiệt hòng lợi dụng tình hình, chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ. Mong muốn Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng có giải pháp hiệu quả đề phòng, đấu tranh ngăn chặn các thông tin xấu, độc ảnh hưởng đến thành quả chung đã đạt được. Về vấn đề này, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Đảng, Nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền thống nhất nhận thức, tạo đồng thuận cao hơn nữa trong cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong các tầng lớp nhân dân về các chủ trương phát triển kinh tế, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng đó là kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật làm nhiễu thông tin, nhất là các thông tin xấu, độc hòng chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ, bôi nhọ làm giảm sút uy tín của lãnh đạo, ảnh hưởng đến sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân. ĐỨC MINH |
Nguồn: [Link nguồn]
Về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ xem xét bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, phê chuẩn thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.