Quốc hội họp quá dài cũng gây lãng phí
Dẫn ra con số chi phí mỗi ngày họp Quốc hội khoảng 1 tỉ đồng, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng các kỳ họp cuối năm của Quốc hội diễn ra quá dài cũng gây lãng phí và cần nghiên cứu giảm họp từ 5-10 ngày so với hiện nay.
Sáng 4/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
Đại biểu (ĐB) Trần Quốc Tuấn (tỉnh Trà Vinh) đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung trách nhiệm của Quốc hội trong việc để xảy ra những lãng phí về thời gian và tiền bạc. Theo ông Tuấn, kỳ họp Quốc hội cuối năm thường diễn ra quá dài và cần thiết phải xem xét, điều chỉnh lại cho phù hợp.
“Nếu nghiên cứu giảm bớt từ 5/10 ngày họp trong mỗi kỳ họp Quốc hội cuối năm, chỉ họp vào khoảng 30-35 ngày thì phù hợp nhất. Trước mỗi kỳ họp phải có cơ quan tham mưu cho Quốc hội làm sao để những vấn đề không lớn lắm, không gây ảnh hưởng nhiều lắm thì Quốc hội có thể giao quyền mạnh hơn cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan chuyên trách ở địa phương quyết định. Quốc hội chỉ tổ chức họp bàn đối với những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, giữ vai trò quan trọng thì mỗi kỳ họp sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian không cần thiết”- ông Tuấn bày tỏ.
Ông Tuấn cho biết tại một hội thảo do Quốc hội tổ chức cách đây một năm ông có gặp một chuyên gia kinh tế và được người này cho biết mỗi ngày họp tiêu tốn khoảng 1 tỉ đồng.
“Một tỉ đồng với Quốc hội có thể chưa lớn, nhưng rất nhiều ĐB Quốc hội đang ngồi đây còn giữ các vị trí lãnh đạo ở các tỉnh, thành phố. Trong thời gian họp Quốc hội, việc giải quyết, xử lý công việc ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn, tốn kém nhiều chi phí; nếu ở lại họp Quốc hội thì công việc ở nhà đình trệ”- ông Tuấn nói.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị Quốc hội giảm họp từ 5/10 ngày so với hiện nay - Ảnh: VNN
Đại biểu Tuấn cũng cho biết nhiều hội thảo do Quốc hội tổ chức không phù hợp, không đi sát với yêu cầu của các ĐB, gây tốn thời gian cho việc này.
“Trách nhiệm này có phải thuộc về Quốc hội hay không? Có nên đưa Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cũng thuộc diện điều chỉnh của luật này không?”- ông Tuấn đặt vấn đề và cho rằng Quốc hội phải sớm đưa ra giải pháp làm sao cho các kỳ họp ngắn, hiệu quả hơn.
Trong khi đó, ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cho rằng việc đưa ra nhiều phương án sử dụng phương tiện đi lại, trong đó có việc thuê phương tiện, khoán sử dụng xe công là rất tiến bộ.
“Tuy nhiên hiện nay sử dụng xe công nhiều quá. Không hiểu có nước nào sử dụng xe công nhiều như ở nước ta không? Sử dụng xe công tràn lan rồi lại kéo theo việc mua bảo hiểm, bảo dưỡng lớn-nhỏ xe hàng năm, xăng xe, biên chế cho lái xe, quản lý sử dụng xe thế nào cho hiệu quả gây rất nhiều bức xúc trong dư luận. Tôi đề nghị quy định rõ những chức danh nào được sử dụng xe công, tránh trường hợp như hiện nay vì người này nhìn người kia rồi không ai thực hiện cả” - bà Huệ nói.
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nói nhiều bộ ngành hiện nay đang có số lượng thứ trưởng, cục phó, vụ phó nhiều hơn quy định của Chính phủ. Điều này kéo theo việc ai cũng muốn có xe riêng để sử dụng đi lại hàng ngày. Nhiều người cứ mỗi lần “lên ghế” lại muốn sắm xe khác, đắt tiền hơn. “Tôi đề nghị Quốc hội có chương trình giám sát, kiểm tra nghiêm việc này” - bà An đề xuất.
Trong khi đó, ĐB Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) khẳng định nhiều quy định trong dự thảo luật đang trùng lặp với quy đinh của các luật chuyên ngành như Luật Ngân sách, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu...
“Những nội dung trùng lặp thì không nên quy định nữa. Chống lãng phí phải quy định gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức. Vấn đề kỷ cương, kỷ luật hành chính của chúng ta không tốt nên đang gây ra tiêu hao tiền bạc nhiều hơn, rất đáng lo ngại”- ông Dũng nói.