Quốc hội “chốt” sẽ giám sát tối cao vấn đề bảo vệ môi trường
Quốc hội sẽ giám sát tối cao chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành
Chiều 8-6, với 466/467 đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.
Lãnh đạo Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025. Ảnh: Phạm Thắng
Theo đó, trong năm 2025, Quốc hội sẽ giám sát tối cao chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành".
Báo cáo giám sát chuyên đề này sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 10.
Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao" và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024, những tháng đầu năm 2025 và báo cáo tài chính nhà nước năm 2023; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.
Cũng tại kỳ họp thứ 9, bên cạnh việc tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8.
Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 106 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; việc thực hiện Nghị quyết số 93 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; việc thực hiện Nghị quyết số 135 của Quốc hội về việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận và Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.
Tại kỳ họp thứ 10, ngoài các báo cáo về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước, Quốc hội sẽ xem xét kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 phát triển kinh tế-xã hội; cơ cấu lại nền kinh tế; đầu tư công trung hạn; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.
Công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2024; tình hình quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2024...
Quốc hội sẽ xem xét báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Cảng hàng không quốc tế Long Thành; xây dựng cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; xây dựng đường vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội, đường vành đai 3 TP HCM; cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1; cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1.
Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo của thành viên Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV và khóa XV về giám sát chuyên đề, chất vấn...
TP Hải Phòng sẽ ngầm hóa mương Đông Bắc đoạn dài 3,5 km từ cống Máy Đèn đến hồ Thiên Nga và hồ An Biên do bị ô nhiễm nặng, nước bốc mùi.
Nguồn: [Link nguồn]