Quốc hội chốt 'luật chỉ quy định khung', trao quyền cho Chính phủ
Quốc hội vừa "chốt" đổi mới nguyên tắc lập pháp theo hướng luật chỉ quy định những vấn đề mang tính ổn định, lâu dài, trao quyền cho Chính phủ cụ thể hóa các quy định.
Chiều 17/2, Quốc hội thông qua dự án Luật Sửa đổi bổ sung một số điều Luật Tổ chức Quốc hội. Theo đó, việc xây dựng luật sẽ có những thay đổi căn bản, tập trung vào những vấn đề mang tính ổn định, lâu dài; vào nội dung liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của công dân, tố tụng tư pháp, các vấn đề có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân và xã hội.
Đối với nội dung quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực, vấn đề mới, có tính kiến tạo phát triển, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm, luật chỉ quy định nội dung chính sách có tính nguyên tắc, định hướng. Quốc hội phân quyền cho Chính phủ, cơ quan trong bộ máy nhà nước cụ thể hóa quy định của luật.
Các cơ quan Nhà nước thực hiện phân cấp bảo đảm phù hợp với năng lực tổ chức thực hiện của từng cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương các cấp và kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong từng giai đoạn. Luật cơ bản không "quy định nội dung về thủ tục hành chính, về quy trình, quy chuẩn chuyên môn, kỹ thuật và nội dung có tính biến động cao".
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi (góc trái) bấm nút thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Tổ chức Quốc hội, chiều 17/2. Ảnh: Giang Huy
Bổ sung trường hợp được tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu
Theo Luật mới, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội trong hai trường hợp. Đó là: đại biểu Quốc hội bị khởi tố bị can; đại biểu bị xem xét tạm đình chỉ khi có cơ sở xác định phải xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên hoặc xử lý hình sự mà cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã có văn bản đề nghị tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu đó.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định này nhằm cụ thể hóa Quy định số 148 của Bộ Chính trị về căn cứ tạm đình chỉ công tác trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng.
Việc xem xét, quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội có ảnh hưởng quan trọng đến đại biểu Quốc hội. Cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành thận trọng, cân nhắc kỹ, đúng quy trình, thủ tục, làm rõ căn cứ để xác định mức độ vi phạm của đại biểu trước khi đề nghị đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Luật cũng đã quy định về việc đại biểu trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và được khôi phục các lợi ích hợp pháp khi có quyết định, kết luận về việc không có vi phạm, không bị xử lý kỷ luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình trước khi đại biểu bấm nút thông qua. Ảnh: Media Quốc hội
Không quy định cứng cơ cấu cơ quan Quốc hội
Luật không quy định cứng số lượng, tên gọi các cơ quan của Quốc hội, đảm bảo "phù hợp chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, bảo đảm hài hòa về cơ cấu tổ chức với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan".
Theo ý kiến chỉ đạo, kết luận của cấp có thẩm quyền, trong số 10 cơ quan của Quốc hội, 8 cơ quan chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của việc sắp xếp, sáp nhập, điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn. Hai cơ quan mới của Quốc hội được thành lập.
Đây là một đợt sắp xếp lớn, tác động toàn diện tới hoạt động của các cơ quan của Quốc hội. Do đó việc quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh và nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Hiện tại, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Quốc hội sau sắp xếp cơ bản được kế thừa nguyên trạng. Tuy nhiên, quy mô và khối lượng công việc của các cơ quan chưa thực sự đồng đều, còn có sự chênh lệch lớn giữa cơ quan thực hiện và không thực hiện sắp xếp.
Vì vậy, việc Quốc hội ban hành một nghị quyết riêng về tổ chức các cơ quan của Quốc hội và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban trong bối cảnh hiện nay là phù hợp, bảo đảm thận trọng.
Ngoài nội dung trên, Luật còn điều chỉnh, bổ sung quy định về phân định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy nhà nước; trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết; kỳ họp Quốc hội; Văn phòng Quốc hội.
Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Tổ chức Quốc hội có hiệu lực từ khi được thông qua.
“Tại sao vừa qua chúng ta quyết định bỏ Công an cấp huyện?”, Thủ tướng đặt vấn đề và cho biết, bỏ cấp huyện để tổ chức lại, một số đưa lên tỉnh nhưng...
Nguồn: [Link nguồn]
-17/02/2025 16:30 PM (GMT+7)