Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện một số chính sách trong chống dịch COVID-19
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19
Ngày 9-1, trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp bất thường lần thứ 2, với 468/473 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.
Đánh giá về kết quả thực hiện các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 trong Nghị quyết số 30/2021/QH15, Nghị quyết nêu rõ: Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các bộ ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch
Quốc hội cũng cơ bản tán thành nội dung báo cáo của Chính phủ đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30 về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 với những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.
Các chính sách, biện pháp, giải pháp được ban hành trên cơ sở Nghị quyết số 30 cơ bản đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đầy đủ với các biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù, góp phần kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.
Bên cạnh kết quả đạt được, Nghị quyết cũng cho rằng, việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30 về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách, giải pháp, biện pháp theo Nghị quyết số 30 và các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có lúc, có nơi còn chậm, chưa đồng bộ, chưa sát thực tiễn.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến có lúc chưa kịp thời; gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn chậm dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc; thanh toán, quyết toán chi phí liên quan đến phòng, chống dịch bệnh và chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19 còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Cho phép tiếp tục thực hiện các chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 từ ngày 1-1 đến hết năm 2023, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ các chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của cơ sở y tế, cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 và chế độ, chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trước ngày 31-12-2022 mà chưa thanh toán xong thì được tiếp tục thanh toán theo quy định.
Kinh phí thực hiện các khoản chi phí, chế độ, chính sách này được chuyển nguồn sang năm 2023 để thanh toán và hạch toán, quyết toán vào niên độ ngân sách năm 2023.
Ngoài ra, việc thanh toán chi phí phòng, chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 được tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 268 về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, Nghị quyết số 12 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Nghị quyết của Quốc hội cũng cho phép gia hạn việc sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 đến hết năm 2024.
Theo đó, giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2023 đến ngày 31-12-2024 được cơ sở đăng ký nộp hồ sơ gia hạn và giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được kéo dài thời hạn thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 6 của Nghị quyết số 12 mà chưa được gia hạn kịp thời theo quy định của Luật Dược được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày 31-12-2024.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội và lưu ý Chính phủ nghiên cứu, rà soát, xác định đầy đủ các vướng mắc, khó khăn và thực hiện đồng bộ tổng thể các giải pháp về chính sách, pháp luật, đầu tư, cải cách hành chính, chế độ chính sách để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Nhiều ĐBQH cho rằng có tư lợi, vụ lợi trong phòng chống dịch COVID-19 cần phải xử lý nghiêm, nhưng cũng phải thấu tình, đạt lý trong bối cảnh dịch bệnh chưa có tiền lệ...
Nguồn: [Link nguồn]