Quốc hội chính thức thông qua Luật Căn cước
Quốc hội chính thức thông qua Luật Căn cước, đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước.
Sáng 27-11, với 431/468 đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 Điều, có hiệu lực từ ngày 1-7-2024.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đã trình bày báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật.
Các đại biểu bấm nút thông qua Luật Căn cước.
Về tên gọi dự luật và tên thẻ căn cước, theo báo cáo của UBTV Quốc hội, có ý kiến cho rằng, trong thời gian vừa qua đã có nhiều thay đổi về hình thức, nội dung và tên gọi của thẻ căn cước, vì vậy, đề nghị cân nhắc về tên gọi của Luật; đề nghị không đổi tên Luật và tên thẻ thành thẻ căn cước.
Đối với ý kiến của đại biểu, UBTVQH cho biết việc sử dụng tên gọi Luật căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số.
Với việc tích hợp đầy đủ thông tin một cách khoa học trong thẻ căn cước cùng với hình thức, phương thức quản lý số bảo đảm tính đại chúng, thì việc đổi tên thành thẻ căn cước sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước có tính khoa học hơn, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số của Chính phủ; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho người dân trong tham gia các hoạt động xã hội cũng như giao dịch về hành chính, dân sự ngày càng tiện lợi.
Nội dung này Đảng đoàn Quốc hội cũng đã xin ý kiến Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị đồng thuận, thống nhất cao về việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước, thẻ căn cước như Chính phủ trình.
Do đó, UBTVQH nhận thấy, việc điều chỉnh tên gọi là Luật Căn cước và thẻ căn cước là phù hợp với mục đích quản lý và phục vụ Nhân dân nên đề nghị Quốc hội cho giữ tên gọi là Luật Căn cước và thẻ căn cước.
431/468 đại biểu tán thành việc thông qua dự thảo Luật.
Về thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có ý kiến đề nghị bổ sung các thông tin về: Sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản, các giấy tờ hộ tịch được cấp nhằm thực hiện có hiệu quả việc quản lý dân cư.
UBTVQH đánh giá ý kiến ĐBQH là xác đáng. Bởi, việc bổ sung, làm giàu dữ liệu dân cư trong các cơ sở dữ liệu sẽ góp phần thúc đẩy quá trình số hóa trong quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi trong giao dịch của người dân.
Tuy nhiên, cũng theo UBTVQH, để xác định loại thông tin cần thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu nào cần có sự cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng về tính phổ biến trong các giao dịch, giá trị sử dụng, nhu cầu của người dân, năng lực quản lý và hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Theo đó dự luật quy định một điều khoản “dự trù” là quy định các thông tin khác theo quy định của Chính phủ để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.
Nguồn: [Link nguồn]
Năm dự án luật quan trọng trong đó có Luật Căn cước, Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở... sẽ được Quốc hội thông qua...