Quốc hội chính thức thông qua hợp nhất 3 lực lượng an ninh cơ sở
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là tên gọi mới của bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó đội dân phòng.
Chiều 28-11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua dự luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở. Đây là dự luật thu hút nhiều ý kiến của đại biểu (ĐB) cũng như cử tri từ kỳ họp thứ 10, QH khóa XIV và ngay cả hai kỳ họp gần đây của QH khóa XV.
Chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy xã
Dự luật được trình ra hôm nay để thông qua, theo giải trình của Ủy ban Thường vụ QH là đã có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý. Đồng thời đã được xây dựng, chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH khóa XIV (tại kỳ họp thứ 10), QH khóa XV (tại kỳ họp thứ năm), ý kiến các cơ quan của Đảng, QH, bộ, ngành, địa phương.
“So với dự thảo luật đã trình QH khóa XIV thì dự thảo luật được Chính phủ trình QH khóa XV tại kỳ họp thứ năm và được tiếp thu, chỉnh lý tại kỳ họp thứ sáu đã thay đổi cơ bản về tính chất, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, tiêu chuẩn, tổ chức, phương thức thành lập, quan hệ phối hợp của lực lượng này, cơ chế quản lý, phân công, hướng dẫn lực lượng này hoạt động” - báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH cho hay.
Cũng theo Ủy ban Thường vụ QH, điểm nổi bật là lực lượng này được xác định là do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ công an cấp xã, giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ ANTT, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Các đại biểu bấm nút thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Ảnh: QH
Theo luật vừa được thông qua, lực lượng này được thành lập trên cơ sở thống nhất ba lực lượng gồm bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Các chính sách về hỗ trợ, bảo hiểm, bồi dưỡng, các chế độ huấn luyện… sẽ được kế thừa của các lực lượng nói trên. Hoạt động của lực lượng này đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý, chỉ đạo của UBND cấp xã.
Lực lượng này không phải là tổ chức cấp dưới của công an cấp xã mà do UBND cấp xã thành lập, quản lý và chịu sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT. Công an cấp xã chịu trách nhiệm và giúp UBND cấp xã trực tiếp quản lý về lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Giải đáp chuyện tăng biên chế và chi ngân sách
Ủy ban Thường vụ QH cũng giải trình ý kiến băn khoăn về việc khi dự luật này được thông qua sẽ làm tăng biên chế và chi ngân sách nhà nước.
Theo báo cáo của Chính phủ, toàn quốc hiện có 298.688 người đang tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Mức chi bảo đảm hoạt động cho các lực lượng này là khoảng 3.570 tỉ đồng/năm.
Để triển khai lực lượng, nếu mỗi thôn, tổ dân phố đều thành lập tổ bảo vệ ANTT thì dự kiến cần có ít nhất là 254.163 người tham gia, kinh phí dự kiến 3.505 tỉ đồng/năm. Ủy ban Thường vụ QH cho rằng nếu căn cứ vào báo cáo của Chính phủ thì luật này không làm tăng biên chế và chi ngân sách.
Cũng có ý kiến ĐBQH khi thảo luận cho rằng nếu đây là lực lượng tự nguyện, tự quản thì để cộng đồng chi trả, không sử dụng ngân sách nhà nước. Cũng có ý kiến nói cần quy định khung mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, mức bồi dưỡng cho lực lượng này hoặc quy định khung theo vùng, miền…
Ủy ban Thường vụ QH cho rằng nếu quy định “cứng” trong luật về khung mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, mức bồi dưỡng và hoặc quy định khung mức tối thiểu chi hỗ trợ đối với lực lượng này sẽ không phù hợp với thực tế, nhất là ở các địa phương còn khó khăn về kinh tế. Điều này cũng sẽ tạo áp lực về bảo đảm kinh phí đối với các địa phương chưa tự chủ được ngân sách.
Dẫn chứng, Ủy ban Thường vụ QH cho hay phụ cấp hằng tháng cho các lực lượng hỗ trợ hiện nay khoảng 2.671 tỉ đồng/năm. Chi hỗ trợ khoảng 899 tỉ đồng/năm gồm các khoản BHXH, BHYT, trang bị công cụ, hồ sơ, sổ sách…
Nếu chi theo mức mà dự luật dự kiến thì tổng kinh phí cần bảo đảm để thực hiện là 3.505 tỉ đồng/năm. Cụ thể, chi hỗ trợ là 2.037 tỉ đồng/năm, hỗ trợ BHXH, BHYT… khoảng 1.006 tỉ đồng/năm. Trang bị công cụ, sổ sách, thiết bị làm việc khoảng 154 tỉ đồng/năm.
Mặt khác, Ủy ban Thường vụ QH cũng cho rằng bảo vệ ANTT là nhiệm vụ của Nhà nước và lực lượng này được chính quyền thành lập để hỗ trợ công an cấp xã giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ ANTT nên phải được ngân sách nhà nước bảo đảm.
Với các địa phương chưa cân đối được ngân sách, luật quy định hằng năm Bộ Công an, UBND các cấp có trách nhiệm lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất cho lực lượng này.
Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ QH cũng chỉ đạo nghiên cứu, chỉnh lý theo hướng giao Bộ Công an bảo đảm trang bị phương tiện, thiết bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, còn chính quyền địa phương chỉ hỗ trợ mua sắm, sửa chữa thiết bị, phương tiện…
Tuyển chọn công dân từ đủ 18 đến đủ 70 tuổi Theo luật mới được thông qua, công dân Việt Nam có nguyện vọng và có năm tiêu chuẩn, điều kiện thì sẽ được xem xét, tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Trong đó có điều kiện về tuổi và trình độ. Cụ thể, từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi, trường hợp trên 70 tuổi mà còn bảo đảm sức khỏe thì chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của công an cấp xã. Ngoài ra, người tham gia tuyển chọn phải có trình độ văn hóa là có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục THCS trở lên. Đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn... thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học. |
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng thời gian qua có một số vụ bỏ cọc đấu giá làm lũng đoạn, rối rắm thị trường; làm lu mờ hình ảnh của cuộc đấu giá; gây dư...
Nguồn: [Link nguồn]