Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm: Khó đoán kết quả
TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng lần bỏ phiếu sắp tới khó dự đoán kết quả nhưng nếu đại biểu Quốc hội có tinh thần trách nhiệm cao, hoạt động này rất có ý nghĩa.
Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội (QH) khóa XIII khai mạc ngày 20/5 tới, lần đầu tiên QH tiến hành lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt, xin ông cho biết các đại biểu (ĐB) QH đã được cung cấp thông tin đầu vào như thế nào để họ đưa ra quyết định đúng đắn nhất?
TS Đinh Xuân Thảo: Việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm 49 chức danh chủ chốt do QH bầu hoặc phê chuẩn đã có nghị quyết hướng dẫn của QH cũng như quy chế hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ QH. Để việc lấy phiếu, bỏ phiếu một cách chuẩn xác, điều quan trọng nhất là ĐBQH phải được cung cấp thông tin một cách đầy đủ và chính xác nhất. Hiện Ban Công tác ĐB của Ủy ban Thường vụ QH đã tập hợp bản báo cáo của 49 chức danh và gửi đến các ĐBQH. Tổng số báo cáo trên 200 trang, trong đó có báo cáo dài 3 trang nhưng cũng có báo cáo 5-6 trang và dài hơn nữa. Dựa vào chức năng, nhiệm vụ, mỗi cá nhân đã kiểm điểm, tự đánh giá những mặt được và chưa được của mình trong 2 năm qua. Báo cáo cũng nêu rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của họ. Bên cạnh đó, ĐBQH sẽ được cung cấp thêm thông tin từ báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tập hợp. Ngoài ra, ĐBQH còn được tiếp nhận thêm thông tin từ chính báo chí.
Tuy nhiên, trước khi bỏ phiếu, thấy thông tin nào chưa yên tâm, còn khúc mắc, ĐBQH sẽ chất vấn người cần quan tâm. Trên cơ sở đó, ĐBQH sẽ có đánh giá riêng. Qua theo dõi, tôi thấy công tác chuẩn bị đã khá chu tất và đúng quy trình.
Chỉ căn cứ vào 2 báo cáo liệu có phản ánh đúng kết quả làm việc của những cán bộ chủ chốt, nhất là “tư lệnh” các ngành không, thưa ông?
Tất nhiên, ở một số lĩnh vực, nếu quan tâm sâu hơn, ĐBQH sẽ đòi hỏi người được lấy phiếu phải có giải trình cặn kẽ, làm rõ thêm những nội dung “nóng” hay thu hút sự quan tâm của số đông cử tri trong thời gian qua. Qua tiếp xúc cử tri, tôi ghi nhận được nhiều ý kiến gay gắt, thậm chí chưa đồng tình đối với người có trách nhiệm khi chưa đưa ra được giải pháp trúng. Nếu người đứng đầu lĩnh vực không có giải đáp thỏa đáng thì sẽ rất khó thuyết phục ĐBQH.
Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) chất vấn tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII. Ảnh: BẢO TRÂN
Qua tiếp xúc cử tri, ông thấy những vấn đề nào sẽ làm “nóng” nghị trường trong kỳ họp tới đây cũng như “quyết định” lá phiếu của ĐBQH?
Vấn đề giải pháp đối với giá vàng, kinh doanh vàng, tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng đang thu hút sự quan tâm của số đông cử tri. Cụ thể, cử tri quan tâm lãi suất tiền gửi đang hạ mạnh nhưng thực chất tiền huy động của ngân hàng đang đi đâu vì doanh nghiệp cần tiền để đầu tư, sản xuất nhưng rất khó tiếp cận. Hay ngân hàng đã dùng tiền đầu tư vào lĩnh vực khác…? Cùng với đó là vấn đề ngoại tệ, nhập khẩu vàng…
Ngoài ra, những vấn đề dễ làm lay động xã hội như đời sống người dân, nhất là người dân và trẻ em vùng cao đang rất khó khăn hay tình trạng doanh nghiệp khó khăn, xã hội thiếu việc làm, y tế quá tải, y đức giảm sút…
Có nhiều lo ngại áp lực bỏ phiếu tín nhiệm lớn làm cho người được lấy phiếu “vo tròn”, hành động theo phương châm “an toàn” dẫn đến không thúc đẩy lĩnh vực do mình quản lý?
Tôi thấy mặt tích cực nhiều hơn. Thời gian qua, tôi thấy nhiều bộ, ngành, lĩnh vực, người đứng đầu thể hiện quyết tâm cao và cố gắng đưa ra các giải pháp để làm tốt hơn như lãnh đạo ngành công an nhanh chóng, chỉ đạo gắt gao giải quyết vụ xe “chính chủ”, CMND ghi tên cha mẹ cũng như nỗ lực phòng chống tội phạm. Hay việc xe “chính chủ”, Bộ GTVT đã giải quyết theo hướng có lợi cho người dân.
Áp lực cũng tạo ra sự nỗ lực để người đứng đầu các ngành “hành động” hơn. Có thể lần bỏ phiếu này khó dự đoán “kết quả” nhưng theo tôi, nếu quyết tâm làm tốt và ĐBQH phát huy tinh thần trách nhiệm cao thì hoạt động này rất có ý nghĩa.
Cũng có lo ngại “tư lệnh” các ngành, lĩnh vực quan trọng dễ tác động đến các địa phương sẽ làm “lung lay” ĐBQH dẫn đến chủ trương đúng đắn này thành hình thức và không thực chất?
Theo tôi, không nên lo ngại vì có đến gần 500 ĐBQH nên việc này không dễ xảy ra. Hơn nữa, công việc, sự hoàn thành nhiệm vụ, chức trách của mỗi chức danh rất rõ ràng nên ĐBQH dễ có quyết định chính xác.
Ông dự đoán có bất ngờ trong lần bỏ phiếu tín nhiệm lần này so với tâm tư của cử tri và ĐBQH?
Rất khó để đưa ra dự đoán nhưng tôi nghĩ không thể có chuyện người làm không tốt lại được ĐBQH tín nhiệm cao.
Tháng 6/2013, lấy phiếu tín nhiệm Theo Nghị quyết 35 của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, trong kỳ họp thứ 5, QH sẽ lấy phiếu tín nhiệm 49 chức danh chủ chốt do QH bầu và phê chuẩn gồm: Chủ tịch QH, các phó chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của QH, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ QH; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND Tối cao; Viện trưởng VKSND Tối cao; Tổng Kiểm toán Nhà nước. Trong dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5 đã gửi xin ý kiến ĐBQH, cuối phiên họp sáng 12/6, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng sẽ báo cáo một số vấn đề về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 35 của QH. Chiều cùng ngày, ĐBQH thảo luận ở đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm. Ủy ban Thường vụ QH sẽ nghe báo cáo tổng hợp thảo luận ở đoàn vào đầu giờ sáng hôm sau. Ngay sau đó, tại phiên toàn thể, QH sẽ nghe Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương trình bày báo cáo kết quả thảo luận chiều hôm trước. Sau khi bầu ban kiểm phiếu, QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, kết quả kiểm phiếu được công bố vào cuối buổi họp cùng ngày. T.Dũng |
Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ QH diễn ra từ ngày 14 đến 16/5 sẽ rà soát lại toàn bộ quy trình thực hiện bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm để việc tổ chức thực hiện được tốt nhất. |