“Quên” cấm người thân công chức nhận quà!

Sự kiện: Thời sự

Gần 70% số doanh nghiệp và cán bộ, công chức được phỏng vấn cho biết việc tặng/ nhận quà có mục đích chủ yếu giúp giải quyết công việc, thậm chí là “luật chơi”.

Ngày 9-11, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố nghiên cứu, khảo sát “Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công: Quy định và thực tiễn ở Việt Nam”.

Nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn 2.647 người và thu thập dữ liệu ở 10 tỉnh, thành; 5 bộ, ngành. Kết quả cho thấy gần 70% số doanh nghiệp và cán bộ, công chức (CBCC) biết rõ việc tặng/nhận quà có mục đích chủ yếu là giúp giải quyết công việc, cảm nhận chung là thành trào lưu, thông lệ, thậm chí là “luật chơi”. “CBCC tặng quà cho cấp trên để thể hiện sự biết điều” - báo cáo nêu.

“Quên” cấm người thân công chức nhận quà! - 1

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, khẳng định xung đột lợi ích là chế định được phổ biến rộng rãi ở nhiều quốc gia

Báo cáo chỉ rõ Luật Phòng chống tham nhũng quy định CBCC, viên chức không được nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác từ tổ chức hoặc cá nhân có liên quan tới công việc của mình. Tuy vậy, các quy định này không áp dụng với bất cứ thành viên nào trong gia đình của CBCC. Ở Mỹ, Hàn Quốc, Singapore..., các lãnh đạo, cán bộ ngoài việc không được trực tiếp nhận quà còn phải ngăn không cho vợ/chồng, họ hàng thân thích nhận quà.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, dẫn chứng CBCC ở Singapore nhận quà trị giá hơn 50 USD là phải nộp nhà nước, nếu muốn giữ lại thì phải trả tiền, ở Mỹ là 375 USD. “Mới đây, báo chí phản ánh Tổng thống Obama hết nhiệm kỳ sẽ nộp lại quà tặng trị giá 1,5 triệu USD đưa vào bảo tàng. Chuyện đó ở Việt Nam chúng ta ít khi nghe thấy. Có người chưa về hưu đã trả nhà, trả xe nhưng cũng có người báo chí nói vẫn chưa chịu trả nhà” - bà Hạnh thẳng thắn nêu.

Nhóm nghiên cứu kiến nghị cần hoàn thiện các quy định về tặng và nhận quà theo hướng quy định nguyên tắc chung giảm thiểu rủi ro xung đột lợi ích trong khu vực công. Không cho phép CBCC nhận quà tặng dưới mọi hình thức và mọi giá trị, đặc biệt là CBCC trong những ngành, lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực.

Theo nhóm nghiên cứu, 6 lĩnh vực hoạt động trong khu vực công được “soi” dưới lăng kính xung đột lợi ích gồm: cung cấp dịch vụ công; bổ nhiệm và tuyển dụng; quản lý đấu thầu; cấp phép, phê duyệt dự án; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Từ đây, TTCP và Ngân hàng Thế giới đúc kết có 4 hình thức tác động phổ biến: tặng quà/nhận quà bằng tiền và hiện vật; đầu tư chia sẻ lợi ích; sử dụng lợi thế thông tin để vụ lợi; ra quyết định hoặc tác động có lợi cho người thân.

Theo bà Hạnh, ở Việt Nam có chuyện công ty cổ phần hóa bị người nhà lãnh đạo gọi điện ghi mua cổ phần nhưng không đóng tiền, nếu không ghi cổ phần thì quá trình cổ phần hóa không thực hiện được. Việc này còn nghiêm trọng hơn nhận quà.

“Một số quan chức lập công ty sân sau do vợ, con, người thân lãnh đạo và tới dự khi có tổ chức đấu thầu, không cần phải nói gì thì đơn vị tổ chức phải tự biết mà chấm thầu cho công ty đó nếu không muốn gặp rắc rối. Mặc dù nhiều người làm sai so với Luật Phòng chống tham nhũng nhưng khi kiểm tra lại phát hiện “đúng quy trình”. Chúng tôi làm việc nhiều với các doanh nghiệp, hỏi họ mong mỏi được hỗ trợ gì từ nhà nước thì họ đều nói xin cán bộ đừng nhũng nhiễu nữa” - bà Hạnh nói.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng TTCP, khẳng định xung đột lợi ích là một chế định được phổ biến rộng rãi ở nhiều quốc gia nhưng Việt Nam chưa có vấn đề này.

Phải coi phép công là trên hết

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bình luận: “Nếu nguyên tắc là tránh xung đột lợi ích thì sẽ không còn chuyện cha bổ nhiệm con ở một bộ. Chúng ta chỉ đưa quy trình thì con của thủ trưởng ở cơ quan đó lại đúng quy trình nhưng vi phạm cái quan trọng nhất là để xảy ra xung đột lợi ích. Cha ông ta đã tư duy phép công là một cái gì đó thuộc về phạm trù đạo đức, coi lợi ích công là trên hết, đó là đạo đức công vụ. Bây giờ, muốn một ông quan liêm chính thì trước hết phải coi phép công là trên hết” - TS Dũng bình luận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Quyết (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN